Cuộc bầu cử hơn 2 ngàn đại biểu cấp tỉnh trên toàn nước Pháp diễn ra trong 2 ngày chủ nhật 20 và 27 tháng 3-2011 đã kết thúc. Đây là cuộc bầu cử địa phương diễn ra 3 năm một lần để bầu lại một nửa trong số hơn 4 ngàn đại biểu cấp tỉnh, có nhiệm kỳ mỗi người là 6 năm.
Cuộc bầu cử địa phương năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vì chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử để bầu Tổng thống Pháp. Qua cuộc bầu cử địa phương này có thể thấy rõ “sức khỏe” của mỗi chính đảng tại Pháp hiện nay ra sao, thế và lực của mỗi đảng lên hay xuống, mỗi đảng sẽ phải đối phó với tình hình ra sao để giành thắng lợi cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2012.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu năm nay đạt kỷ lục chưa từng có là 56%, cho thấy sự quan tâm đến các vấn đề chính trị của đất nước xuống rất thấp. Trong 19,6 triệu cử tri, chỉ có 8,5 triệu đi bầu.
Đảng Xã hội (PS) dẫn đầu, bỏ xa đảng của đa số cầm quyền hiện nay là Liên Minh Phong trào Nhân dân (UMP). Đảng PS đạt 36% phiếu bầu, trong khi đó đảng UMP chỉ đạt gần 20%, còn đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) đạt hơn 12%. Đây là tỷ lệ cao chưa bao giờ FN đạt được trong một cuộc bầu cử địa phương. Đáng báo động cho đảng UMP hơn nữa là ngay từ vòng đầu ngày 20-3, ở một số tỉnh, FN vượt UMP, loại UMP ra khỏi vòng 2, FN vào chung kết với đảng PS, và ở 2 tỉnh đã trúng cử.
Tóm lại, cuộc bầu cử cho thấy PS đang tăng khá mạnh cả thế và lực, chiếm đa số rõ ở hơn 60 tỉnh trong số 101 tỉnh của nước Pháp. Đảng UMP sa sút trông thấy, trên thực tế không còn là đảng của đa số, trong khi đảng FN do bà Marine le Pen lãnh đạo tăng rõ thế và lực, vươn lên thành một chính đảng có vai vế toàn quốc, nghiễm nhiên đứng thứ ba trong hơn 10 đảng phái của nước Pháp. Nếu hiểu rõ FN là một đảng cực hữu, chủ trương cấm phá thai, giữ án tử hình, cấm luyến ái đồng tính, hạn chế nhập cư, trục xuất mọi người nhập cư bất hợp pháp, rút khỏi cộng đồng châu Âu, đề cao tinh thần dân tộc cực đoan “nước Pháp của người Pháp”…có thế thấy rõ sự trỗi dậy của FN nguy hiểm ra sao cho sự ổn định và phát triển của nước Pháp.
Ngay sau cuộc bầu cử địa phương các hãng thăm dò dư luận đưa ra những kết quả rất bi quan và bất lợi cho tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy. 72 % người được hỏi ý kiến cho rằng ông Sarkozy không nên là ứng cử viên tổng thống của đảng UMP vào tháng 5-2012 tới; chỉ có 22 % người tán thành, còn 6% không có ý kiến.
Ngay trong đảng UMP, có đến 54% đảng viên không tán thành ông Sarkozy ra tranh cử.
Trong khi đó, điều tệ hại cho UMP là các thủ lãnh chia rẽ nặng nề, nhất là giữa tổng thống và thủ tướng Francois Fillon. Tuần sau tổng thống Pháp sẽ triệu tập một cuộc họp trao đổi về chính sách phi tôn giáo của Nhà nước, không đứng về phía tôn giáo nào, nhưng thủ tướng Fillon cho là không nên, sẽ đẻ ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, ông sẽ không dự.
Ngay tại tỉnh Haut-de-Seine, ngoại ô phía Tây thủ đô Paris, vốn là cơ sở lâu năm của ông Sarkozy, trong cuộc bầu vừa qua, những cận thần của tổng thống là vợ chồng ông Balkany đã bị thất cử, nói lên cái thế chính trị của ông Sarkozy sa sút đến đâu.
Theo hãng IPSO, nếu lúc này ông Dominique Strauss-Kahn của đảng PS ra ứng cử, đọ sức với ông Sarkozy của UMP và bà Marine le Pen của FN, thì ông Strauss-Kahn sẽ thắng áp đảo, với 62 % số phiếu, bà Marine le Pen sẽ đạt 20%, ông Sarkozy chỉ đạt 18 %, bị loại ngay ở vòng đầu. Nhiều nhà bình luận dự đoán nếu tình hình diễn ra như vậy thì đảng UMP có thể tan vỡ thành nhiều phe phái, nhập vào Phong trào dân chủ (Modem) của ông François Bayrou hoặc nhập vào đảng Cấp tiến (Partie radical) của ông Jean-Louis Borloo, hoặc lập ra đảng riêng.
Đảng PS tuy thắng thế rõ rệt, những đang gặp không ít vấn đề phải giải quyết. Đó là quá nhiều lãnh đạo có tham vọng. Trước hết bà Martine Aubry, hiện là tổng bí thư đang là ứng cử viên công khai; đó là bà Ségolène Royal tuy thất cử năm 2007 nhưng vẫn còn muốn thử thời vận; là ông François Hollande nguyên tổng bí thư đảng PS, vừa trúng cử Chủ tịch hội đồng tỉnh Corrèze, rất tự tin, lại còn ông Dominique Strauss-Kahn, giáo sư kinh tế, hiện là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, rất có uy tín trong nước và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên thái độ của ông Strauss-Kahn còn lấp lửng, không dứt khoát rõ ràng. Có người phán đoán rằng ông không mặn mà lắm với cái ghế tổng thống Pháp, giữa những khó khăn về tài chính, kinh tế, xã hội, môi trường đều nan giải, trong khi ghế Tổng giám đốc IMF có thu nhập cao hơn nhiều, vai trò quốc tế cũng nổi hơn. Vợ ông, bà Anne Sinclair, một nhà báo Pháp gốc Hoa Kỳ, nổi tiếng trong ngành truyền hình Pháp, lại tỏ ra mong muốn ông ra ứng cử.
Vẫn chưa hết, trong đảng PS, cựu thủ tướng Laurent Fabius cũng tự coi là một ứng cử viên dự bị, 2 ông Manuel Valls và Arnaud Montebourg cũng tuyên bố là ứng cử viên.
Ngày 9-10 tới đảng PS sẽ họp đại hội để cử ra ứng cử viên duy nhất của đảng mình. Trong đảng nhiều đảng viên sốt ruột. Họ thắc mắc tại sao lại phải chờ đến 5 tháng nữa, sao không đề cử ra ứng cử viên duy nhất sớm hơn, đề có thì giờ tuyên truyền vận động cho chương trình hành động cùng với nhân vật ứng cử gắn liền với nhau.
Tất cả vấn đề là tinh thần đoàn kết thống nhất trong đảng PS, biết nhường nhịn nhau, sớm tập trung cho một ứng cử viên duy nhất. Nếu cứ ôm chặt quá nhiều tham vọng cá nhân riêng rẽ thì sẽ có nguy cơ “xôi hỏng bỏng không”, bỏ lỡ thời cơ hiếm có này.
Trong khi đó đảng FN đang phô trương thanh thế, tranh dành mọi lá phiếu bất mãn ở cả phía hữu lẫn phía tả, khôn khéo giảm nhẹ bản chất cực đoan, tranh thủ cử tri trẻ, khoét sâu những khó khăn kinh tế, nạn thất nghiệp, sức mua của người dân giảm, nền trị an sa sút. FN phàn nàn là chế độ bầu cử bất công, số đại biểu không theo tỷ lệ phíếu bầu, FN đạt 12% phiếu mà chỉ có 2 đại biểu cấp tỉnh, lẽ ra là phải 500 trên 4000 đại biểu mới là hợp lý. Cố gắng của FN trong tháng 5-2012 là đứng thứ hai, loại UMP ở ngay vòng đầu, để cùng đảng PS vào chung kết, trở thành đảng lớn thứ nhì của nước Pháp.
Ngăn chặn đà vươn lên nguy hiểm của FN là mục tiêu trước mắt của cả phái hữu lẫn phái tả cũng như của các đảng ở giữa. Do thế và lực của các đảng phải chính trị đã và đang thay đổi rõ rệt, tình hình thời gian tới sẽ còn biến động, khi không khí tranh cử đã khởi đầu sẽ còn quyết liệt, căng thẳng liền trong 12 tháng, cho đến tháng 5-2012 mới ngả ngũ.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.