Cuộc Cách mạng dân chủ mùa Xuân 2011 đang còn diễn ra với những chấn động dây chuyền. Cuộc Cách mạng này trước hết khởi đầu ở các nước Bắc Phi, đang làm rung chuyển cả khu vực Bắc Phi - Trung Cận đông.
Đã có nhà lý luận, nhà sử học, nhà bình luận quốc tế so sánh cuộc Cách mạng dân chủ mùa Xuân 2011 với Cuộc Cách mạng Dân chủ 1789 ở Pháp, sau đó lan rộng sang châu Âu và châu Mỹ, rồi lan sang tận Nhật Bản, Trung Quốc. Đây là làn sóng dân chủ kỳ diệu thứ nhất. Cũng có nhà bình luận quốc tế so sánh cuộc cách mạng dân chủ mùa Xuân 2011 này với cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu và Liên Xô sau khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, mở đường cho Tự do và Dân chủ đến với hàng chục nước bị chủ nghĩa Mác – Lênin đày đọa hàng nửa thế kỷ, dẫn đến kết thúc Chiến tranh lạnh và mở rộng đáng kể thế giới dân chủ văn minh. Đây có thể coi như làn sóng dân chủ kỳ diệu thứ hai.
Và nay là làn sóng dân chủ quốc tế thứ ba.
Điều lý thú là những nước đang nối đuôi nhau xếp hàng sau Tunisia, Ai Cập và Libya không thiếu.
Đó là Algeria đã có những cuộc xuống đường vài ngàn người, buộc tổng thống nước này phải hứa hủy bỏ sớm Luật khẩn cấp ban hành từ năm 1963. Đó là Vương quốc Maroc, nơi thanh niên đang noi gương thanh niên láng giềng Tunisia dùng Twitter, Facebook vẫy gọi nhau đấu tranh, nhà vua Maroc buộc phải hứa sẽ sớm sửa đổi Hiến pháp theo hướng dân chủ hóa. Đó là Jordan, nơi chính quyền phải hứa hẹn tăng lương đáng kể cho người lao động vừa xuống đường đòi tự do dân chủ và cải thiện cuộc sống. Đó là Vương quốc Bahrain, nơi nhà vua phải phân phát ngay ít tiền từ ngân sách cho mọi người dân nhằm xoa dịu cuộc đấu tranh. Đó là Cộng hòa Yemen, nới đang xảy ra đàn áp và các cuộc xuống đường mạnh mẽ đang còn tiếp diễn vì là nơi người dân đói khổ nhất vùng Vịnh, nơi nhiều viên tướng tại chức đang cầm quân cũng yêu cầu tổng thống Ali Saleh phải từ chức.
Quân cờ domino sắp sửa đổ đến nơi trong thời gian trước mắt rất có thể là Cộng hòa Syria.
Syria là một nước lâu đời, rộng chưa đến 200 ngàn kilômét vuông, dân số 22 triệu dân, hiện tổng thống là ông Bachar el-Assad, 46 tuổi, lên làm tổng thống tháng 7-2000, kế vị cha là cựu Tổng thống Hafez el-Assad,từng làm tổng thống suốt 30 năm, từ 1970 đến khi chết vào năm 2000. Syria vốn là thuộc địa của nước Pháp, được độc lập từ tháng 4-1946. Syria theo chế độ độc đảng, đảng Baath của tổng thống là đảng nắm trọn quyền trong Quốc hội, chính phủ, chính quyền các cấp. Tổng thống nắm quyền tuyệt đối chỉ huy quân đội và cơ quan công an, mật vụ. Mặt trận Quốc gia cấp tiến – Front National Progressiste chỉ là bình phong che đậy vụng về một chế độ độc đoán, cha truyền con nối, bạo ngược và tham nhũng. Tại đây không có báo chí của tư nhân.
Hai tuần lễ nay, tình hình miền Nam Syria rất căng thẳng, đặc biệt là tại cảng Daraa. Thanh niên, sinh viên dương cao khẩu hiệu đòi trừng phạt tham nhũng, nền tư pháp độc lập, có cả khẩu hiệu đòi thay đổi chế độ, đặc biệt là đòi quyền tự do báo chí. Tại đây quần chúng sốt ruột không chịu nổi đã rủ nhau đì phá đổ bức tượng cựu Tổng thống Hafez el-Assad. Ảnh của Tổng thống Bachar el-Assad bị xé và chà đạp. Cảnh sát đã đàn áp làm 20 người chết, hơn 100 bị thương.
Ngày 27 và 28-3 cuộc đấu tranh lại nổ ra ở ngay thủ đô Damas. Cảnh sát lại nổ súng. Hơn 10 người chết, hơn 100 người bị thương. Thủ đô thiết quân luật. Báo chí bị cấm chụp ảnh đưa tin.
Trưa 28 – 3 thủ tướng Mohammad Naji Tri đệ đơn xin từ chức cùng toàn thể chính phủ. Ngày 29, tổng thống lên tiếng tại Quốc hội. Quần chúng yêu cầu hủy ngay Luật khẩn cấp không trì hoãn, thực hiện ngay tự do ngôn luận và báo chí. Thanh niên còn công khai yêu cầu tổng thống đến ngay các thành phố phía Nam, nhất là ở cảng Daraa để đối thoại với công dân, xin lỗi các gia đình có người bị bắn chết tuần trước và thăm hỏi người bị thương.
Những ngày tới sẽ là cuộc thử sức quyết liệt giữa chính quyền độc đảng, chuyên đàn áp đang lung lay với quần chúng đông đảo nước Syria, nhất là nhân dân ở phía Nam. được cổ vũ bởi làn sóng đấu tranh dân chủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya, biểu hiện của cuộc thức tỉnh chính trị trong thế giới Hồi giáo rộng lớn vế quyền tự do và nhân quyền.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.