Các bộ trưởng ngoại giao G7 họp lần cuối trước khi chính quyền Biden kết thúc

Người biểu tình cầm biểu ngữ có dòng chữ "Phản đối" bên cạnh quốc kỳ Palestine trên đường phố khi hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng Quốc phòng G7 diễn ra tại Naples của Ý ngày 19/10/2024.

Các bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ họp vào ngày 25/11, trong bối cảnh các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông đang bước vào giai đoạn quyết định và một số áp lực nhất định để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trước khi chính quyền mới của Hoa Kỳ tiếp quản.

Hy vọng có được một lệnh ngừng bắn ở Gaza và Lebanon thông qua trung gian hòa giải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp G7 ở Puglia, miền nam nước Ý. Cuộc họp quy tụ các bộ trưởng từ Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Vào ngày đầu tiên của cuộc họp kéo dài hai ngày hôm 25/11, nhóm G7 sẽ có sự tham dự của các bộ trưởng từ Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar, cũng như Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập.

Bộ ngoại giao Ý cho biết "Các đối tác sẽ thảo luận về các cách thức hỗ trợ các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và Lebanon, các sáng kiến hỗ trợ người dân và thúc đẩy một đường chân trời chính trị đáng tin cậy cho sự ổn định trong khu vực".

Nhóm được gọi là "Quint" gồm Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, Jordan, Ai Cập và UAE đã cùng làm việc để hoàn thiện kế hoạch "hậu chiến tranh" cho Gaza, và có một số sự cấp bách để đạt được tiến triển trước khi chính quyền Trump tiếp quản vào tháng 1. Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ theo đuổi chính sách ủng hộ mạnh mẽ Israel hơn là nguyện vọng của người Palestine.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Ý, Antonio Tajani, đã thêm một mục khác vào chương trình nghị sự của G7 vào tuần trước sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu bộ trưởng quốc phòng Israel cũng như chỉ huy quân sự của Hamas.

Ý là thành viên sáng lập của tòa án và đã tổ chức hội nghị Rome năm 1998, nơi khai sinh ra tòa án này. Nhưng chính phủ cánh hữu của Ý đã ủng hộ mạnh mẽ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.

Chính phủ Ý đã có lập trường thận trọng, tái khẳng định sự ủng hộ và tôn trọng của mình đối với tòa án nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng các lệnh bắt giữ này có động cơ chính trị.

“Không thể có sự tương đương giữa trách nhiệm của nhà nước Israel và tổ chức khủng bố Hamas”, Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết, đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế có trụ sở tại Rome, cho biết Ý sẽ tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất về lệnh của ICC, ít nhất là trong số 6 quốc gia G7 vốn là bên tham gia ký kết của tòa quốc tế: tất cả mọi nước thành viên trừ Hoa Kỳ.

Nhưng trong một bài viết đăng trên báo La Stampa vào cuối tuần qua, bà Tocci cảnh báo rằng đây là một động thái mạo hiểm, vì Hoa Kỳ có xu hướng áp đặt đường lối của G7 và đã chỉ trích lệnh của ICC đối với ông Netanyahu là "vô lý".

“Nếu Ý và các bên ký kết khác (5 nước G7) của ICC không thể duy trì đường lối về luật pháp quốc tế, họ sẽ không chỉ làm xói mòn luật pháp quốc tế mà còn hành động chống lại lợi ích của chúng ta”, bà Tocci viết, nhắc đến việc Ý viện dẫn luật pháp quốc tế để yêu cầu bảo vệ cho lực lượng Ý gìn giữ hòa bình của LHQ đã bị tấn công ở miền nam Lebanon.

Một chủ đề thảo luận chính khác của cuộc họp G7 là Ukraine, và căng thẳng luôn gia tăng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tuần trước bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh thử nghiệm vốn đã làm leo thang cuộc chiến kéo dài gần 33 tháng.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha dự kiến sẽ có mặt tại cuộc họp của G7 ở Fiuggi vào ngày 26/11, trong khi NATO và Ukraine sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp cùng ngày tại Brussels.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công là để trả đũa việc Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa của Hoa Kỳ và Anh có khả năng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

G7 đã đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022 và các thành viên G7 đặc biệt lo ngại về cách chính quyền Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ.

Ông Trump đã chỉ trích về hàng tỷ đô la mà chính quyền Biden đã đổ vào Ukraine và nói rằng ông có thể kết thúc chiến tranh trong vòng 24 giờ. Những tuyên bố đó dường như cho thấy ông Trump sẽ gây sức ép buộc Ukraine phải giao nộp lãnh thổ mà Nga hiện đang chiếm đóng.

Ý là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và đã ủng hộ quyết định của Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất. Nhưng Ý đã viện dẫn điều khoản từ chối chiến tranh theo hiến pháp của quốc gia này khi không cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công để đánh vào bên trong nước Nga và hạn chế viện trợ cho các hệ thống phòng không nhằm bảo vệ thường dân Ukraine.

Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao G7, vốn là cuộc họp thứ hai khi Ý là chủ tịch luận phiên theo sau cuộc họp của các bộ trưởng tại Capri hồi tháng 4, đang được tổ chức tại thị trấn thời trung cổ Fiuggi về phía đông nam của thủ đô Rome, vốn nổi tiếng với các suối nước nóng.

Vào ngày 25/11, cũng là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, các bộ trưởng sẽ tham dự lễ khánh thành một chiếc ghế dài màu đỏ tượng trưng cho trọng tâm của Ý trong việc chống lại bạo lực trên cơ sở giới.

Hàng chục nghìn người vào cuối tuần qua đã tuần hành tại Rome để phản đối tình trạng bạo lực giới tính, vốn đã cướp đi sinh mạng của 99 phụ nữ tại Ý trong năm nay, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Eures đưa ra vào tuần trước.