Các ngoại trưởng NATO họp hôm thứ Năm 4/4 để kỷ niệm tròn 75 năm từ khi thành lập khối liên minh, họ cũng đồng ý bắt đầu lên kế hoạch về vai trò lớn hơn của khối trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Vào ngày thứ nhì của cuộc họp tại Brussels, các bộ trưởng sẽ kỷ niệm sự kiện Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết ở Washington vào ngày 4/4/1949 về việc lập liên minh chính trị và quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu hôm 3/4: “Cùng lúc chúng ta đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, mối liên kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ quan trọng hơn bao giờ hết”.
Khởi đầu, NATO có 12 nước thành viên ở Bắc Mỹ và châu Âu, khối được thành lập để đáp lại những lo ngại ngày càng tăng cho rằng Liên Xô gây ra mối đe dọa quân sự đối với các nền dân chủ châu Âu.
Điều cốt lõi của khối là khái niệm phòng thủ tập thể, theo đó, tấn công vào một thành viên cũng bị coi là tấn công cả khối, trên cơ sở đó, trao cho Mỹ vai trò bảo vệ quân sự cho Tây Âu.
75 năm sau, NATO có 32 thành viên và gần đây đã nắm lại vai trò trung tâm trong các vấn đề thế giới, sau khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến các chính phủ châu Âu một lần nữa coi Moscow là mối đe dọa an ninh lớn.
Hai thành viên mới nhất của NATO là Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia những hoạt động trực tiếp đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.
Hôm 3/4, các bộ trưởng NATO nhất trí bắt đầu lên kế hoạch về vai trò lớn hơn của NATO trong việc điều phối trợ giúp an ninh và huấn luyện cho Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho hay theo đề xuất của ông Stoltenberg, NATO sẽ tiếp quản công việc của liên minh lâm thời do Mỹ dẫn đầu, có tên là nhóm Ramstein, một phần là để đề phòng nguy cơ Mỹ cắt giảm viện trợ nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Vẫn theo giới ngoại giao, ông Stoltenberg cũng đề xuất lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro (khoảng 108 tỷ USD) để trợ giúp quân đội Ukraine trong 5 năm.
Hôm 4/4, các bộ trưởng cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ông Kuleba nói với Reuters rằng ông sẽ thúc giục họ cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot để phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo thường xuyên của Nga.