Các bộ trưởng ngoại giao Liên hiệp châu Âu đã có những cuộc thảo luận khẩn cấp ngày hôm nay nhằm đưa ra một đáp ứng thống nhất đối với việc vũ trang cho người Kurd hiện đang chiến đấu chống lại những phần tử Hồi Giáo cực đoan tại Iraq.
Hội nghị tại Brussels diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Nouri al-Maliki phải từ chức dưới áp lực quốc tế và ủng hộ cho người thay thế ông.
Động thái này có thể khuyến khích viện trợ quân sự của nước ngoài to lớn hơn cho Iraq, là nước đang chiến đấu chống lại những phần tử chủ chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi Giáo hiện chiếm một phần lớn lãnh thổ vùng tây bắc của Iraq.
EU chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng. Một số nước, trong đó có Anh và Pháp, theo sự dẫn đạo của Hoa Kỳ trong việc giúp vũ trang các lực lượng người Kurd với quân số đông đảo.
Những nước khác, trong đó có nước Đức, không muốn dính líu vào cuộc tranh chấp và chỉ muốn viện trợ nhân đạo mà thôi.
Áp lực đối với EU ngày càng tăng đòi họ giúp chặn đứng những cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến. Các phần tử này cảnh báo là có thể sử dụng lãnh thổ chiếm được để phát động những cuộc tấn công phương Tây.
Bộ Tư lệnh Miền trung của quân đội Hoa Kỳ cho biết vào ngày hôm qua các máy bay phản lực chiến đấu của Mỹ và những máy bay không người lái đã tấn công và phá hủy hai xe được trang bị vũ khí nặng do các phần tử chủ chiến điều khiển đang bắn vào các lực lượng người Kurd tại miền bắc.
Nhà cầm quyền nói một trong hai vụ không kích nhắm vào một xe bọc sắt mà quân đội Mỹ cung cấp cho quân đội Iraq và sau đó bị các phần tử chủ chiến cướp lấy.
Những cuộc tấn công mới nhất này là cuộc tấn công lần thứ hai trong nhiều ngày. Tổng thống Barack Obama đã nói là những cuộc tấn công phá vỡ vòng vây của tổ chức chủ chiến tại một ngọn núi phía bắc, nơi những người theo các tôn giáo thiểu số và những sắc dân thiểu số Iraq đang lánh nạn.
Tổng thống Obama nói tình hình trên Núi Sinjar đã cải thiện rõ rệt và ông không tin sẽ cần đến một cuộc hành quân để di tản những người tị nạn.