Bị bác kháng cáo, nhóm ‘Báo Sạch’ bị tuyên y án

Các thành viên nhóm Báo Sạch trong phiên tòa phúc thẩm hôm 27/1 ở Cần Thơ

Năm thành viên nhóm Báo Sạch vốn phơi bày những vụ việc nhạy cảm với chính quyền hôm 27/1 đã bị giữ nguyên mức án sơ thẩm về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước’ trong phiên tòa phúc thẩm kéo dài hai ngày tại Cần Thơ.

Theo đó, người đứng đầu nhóm là ông Trương Châu Hữu Danh nhận bản án cao nhất là 4,5 năm tù. Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng bị tuyên 3 năm tù và 2 năm tù là bản án dành cho Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo.

Ngoài ra, trừ ông Lê Thế Thắng, cả 4 bị cáo còn lại đều bị cấm hoạt động báo chí trong ba năm kể từ ngày mãn hạn tù.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm Báo Sạch của ông đã đăng nhiều bài trên mạng xã hội tố cáo vi phạm liên quan đến các trạm BOT, vụ cựu phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang bị truy tố, Đại học Đông Đô mua bán bằng cấp, vụ án tử tù Hồ Duy Hải kêu oan…

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng lên tiếng chỉ trích bản án sơ thẩm nhằm vào các nhà báo này và cho rằng ‘họ không phạm tội vì tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng’.

Cáo trạng của bên công tố cho rằng các bài viết của nhóm Báo Sạch đã lôi kéo nhiều người chửi bới trên mạng xã hội, do đó ‘xâm phạm đến nhiều tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương’.

Bác kiến nghị

Một trong các bị cáo là Lê Thế Thắng có yêu cầu Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt tại phiên phúc thẩm, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ.

Về phần mình, phía công tố là Viện Kiểm sát Nhân dân cũng kháng nghị bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa bỏ lệnh cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí 3 trong ba năm sau khi ra tù và kiến nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Lê Thế Thắng từ 3 xuống còn 2,5 năm tù do tại phiên sơ thẩm, bị cáo này đã vắng mặt nên không thể trình bày các căn cứ xin giảm nhẹ, cũng theo Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát Nhân dân cho rằng khởi tố các bị cáo về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân’ là ‘hoàn toàn đúng người, đúng tội’ và bản thân các bị cáo ‘cũng thừa nhận hành vi tại Tòa’.

Tuy nhiên, Tòa đã bác toàn bộ các kháng nghị của ông Lê Thế Thắng và của Viện Kiểm sát Nhân dân và giữ nguyên bản án sơ thẩm vì các chứng cứ, tài liệu và nội dung mà Viện Kiểm sát, các luật sư và bị cáo đưa ra tại tòa là ‘không đủ để được giảm nhẹ hình phạt’.

Theo tường thuật của tờ Giao thông thì tại phiên xử phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do là ‘bản án sơ thẩm là quá nặng’ và các bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như ‘có nhiều giấy khen trong quá trình hành nghề báo chí, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu…’

“Bản thân bị cáo không có tình tiết tăng nặng nhưng lại tuyên bị cáo mức án bốn năm rưỡi, như vậy là quá cao cho bị cáo. Ngoài xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 4 bạn của bị cáo,” ông Trương Châu Hữu Danh được tờ Giao thông dẫn lời nói.

Sau phiên tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chỉ trích: “Năm bản án mới nhất này nằm trong xu hướng giam giữ và kết án đáng lo ngại đối với các nhà báo và công dân Việt Nam thực hiện các quyền tự do ngôn luận và báo chí của họ vốn được ghi trong hiến pháp của Việt Nam.”

Washington kêu gọi Hà Nội trả tự do cho 5 nhà báo và tất cả những người bị giam giữ vô cớ, và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình và không sợ bị trả đũa.