Bà Aung San Suu Kyi nói với các đại biểu Quốc Hội Hoa Kỳ rằng một nghị quyết do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 3 là một bản hướng dẫn rõ ràng cho những điều cần phải thực hiện để đem lại dân chủ cho Miến Điện.
Cùng với nhiều vấn đề khác, bản nghị quyết đề nghị chính phủ Miến Điện phóng thích tù nhân chính trị, ban hành các quyền tự do dân sự như tự do phát biểu và cho phép báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền được thực hiện những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Miến Điện.
Bà Suu Kyi nói: “Nghị quyết này bao gồm tất cả những nhu cầu của Miến Điện ngày nay, tất cả các nhu cầu chính trị mà tôi có thể nói là Miến Điện cần đến ngày hôm nay. Những yêu cầu, những đòi hỏi của nghị quyết này rất phù hợp với những gì mà chúng tôi ở Miến Điện cho là cần thiết để khởi động Miến Điện theo một tiến trình dân chủ hóa thực sự.”
Các nhận định được ghi hình của bà Suu Kyi đã được trình chiếu hôm qua cho các thành viên của tiểu ban Hạ viện đặc trác các vấn đề châu Á Thái bình dương. Họ đã mở một phiên điều trần về cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, tức cuộc bầu cử đầu tiên ở Miến Điện từ 20 năm nay.
Người lãnh đạo Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ thận trọng trong những lời chỉ trích chính phủ mới của Miến Điện. Nhưng bà kêu gọi một cơ quan tư pháp độc lập để bảo đảm pháp trị, và bà nói rằng nếu chính phủ thành thực trong ý muốn đem lại dân chủ cho đất nước thì họ phải phóng thích tù nhân chính trị.
Kết thúc thông điệp, bà cảm tạ Quốc Hội Hoa Kỳ về sự hỗ trợ dành cho công cuộc cải cách dân chủ ở Miến Điện.
Bà Suu Kyi nói: “Với sự giúp đỡ và ủng hộ của những người bạn chân thành, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ có khả năng đặt chân trên con đường dân chủ, không dễ dàng và có lẽ không mau mắn như chúng tôi mong muốn, nhưng chắc chắn và vững vàng.”
Phe đối lập tại Miến Điện, giới tranh đấu cho nhân quyền và nhiều chính phủ, như Hoa Kỳ, nói rằng cuộc bầu cử chỉ củng cố chế độ quân trị, bởi vì các thành viên trong quân đội và một đảng được quân đội hậu thuẫn thống trị quốc hội.
Chính phủ Miến Điện bị coi là một trong những chính phủ áp bức nhất trên thế giới. Giới tranh đấu cho nhân quyền và các thành viên trong phe đối lập nói rằng Miến Điện đang cầm giữ hơn 2.000 tù nhân chính trị, và dùng cưỡng bức lao động, các án tù dài hạn và các cuộc tấn công quân sự chống lại những nhóm thiểu số để trấn áp đối lập.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD đã thắng trong cuộc bầu cử tự do tổ chức vào năm 1990, nhưng quân đội không hề để cho đảng lên nắm quyền.
NLD đã không tham gia cuộc bầu cử nắm ngoái bởi vì đảng không chịu loại bà Aung San Suu Kyi và các thành viên khác đang bị cầm tù ra khỏi hàng ngũ của đảng, theo như yêu cầu của các quy định mới về bầu cử.
Từng bị đặt dưới một hình thức quản thúc nào đó phần lớn thời gian 20 năm qua, bà Aung San Suu Kyi đã được phóng thích ít lâu sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Xem bài phát biểu của bà Suu Kyi với các nhà lập pháp Mỹ qua video: