Miến Điện: Các ứng cử viên chờ đợi ngày bầu cử

  • Danielle Bernstein

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đấu tranh cho dân chủ của Miến Điện

Vào Chủ nhật các cử tri Miến Điện lên đường tới các phòng phiếu để tham gia một cuộc bầu cử bổ sung, trong đó người ta sẽ có thể thấy những ứng viên đối lập, kể cả biểu tượng Dân Chủ Aung San Suu Kyi, bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử của một chính quyền mà họ đã lánh xa từ nhiều năm.

Một màn trình diễn võ thuật theo truyền thống Miến Điện được tổ chức để vận động cho một thành viên của đảng cầm quyền liên kết với phe quân đội được biết với tên USDP.

Cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2010 bị các nhóm đối lập cũng như các chính phủ phương tây lên án là gian lận.

Bà Lay Lay Aye, ứng cử viên đảng cầm quyền, qui cho những bất hợp lệ trong quá khứ là do thiếu kinh nghiệm, và phủ nhận cáo buộc rằng đảng của bà đã hối lộ hoặc đe dọa cử tri.

Bà nói cuộc bầu cử sắp tới sẽ tự do và công bằng, nhưng bà lo ngại là có nguy cơ nổi loạn hay bạo động. Bà cho là có những đảng khác quá hùng hổ và là điều hay nếu thấy các đảng đó bị đặt trong vòng kiểm soát.

Bà Lay Lay Aye ám chỉ về bà Aung San Suu Kyi, người mới trở lại chính trường. Hầu hết khoảng thời gian 20 năm qua bà bị đặt trong tình trạng quản chế tại nhà.

Sự đắc cử được đoán trước của bà Suu Kyi theo dự kiến là một chuyển hướng chính trị quan trọng vì bà tham gia một chính phủ một thời bà chống đối.

Các thành phần đối lập khác hy vọng rằng tham gia vào một hệ thống khiếm khuyết là một cách thay đổi hệ thống đó.

Ông Thu Wai là chủ tịch Đảng Dân Chủ Miến Điện từng tố giác gian lận sau khi những thùng nhét thêm phiếu xuất hiện trong những giờ phút chót của cuộc bầu cử năm 2010 và ông đã bị thất cử.

Ông nói ông không tức giận và sẽ tiếp tục tham gia vì điều này rất quan trọng và những gian lận sẽ dần dần bớt đi.

Bà Phyu Phyu Thin, một ngôi sao mới nổi của Đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ, điều hành một bệnh viện điều trị HIV/AIDS miễn phí tại khu ngoại ô thành phố. Bà cũng là một ứng cử viên nổi tiếng, luôn lo lắng về tính trong sạch của cuộc bầu cử. Bà nói:

“Một mặt, người ta trở nên năng nổ hơn, nhưng đồng thời mặt khác người ta lo ngại nhiều hơn. Lý do là người ta đã trải nghiệm nhiều chuyện trong năm 2010. Nhiều người đặt câu hỏi, ‘Chuyện gì sẽ xảy ra? Chuyện gì sẽ sai trái? Số phận những lá phiếu của chúng ta sẽ ra sao?’”

Bốn mươi tám chiếc ghế được tranh đua trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật sẽ không thay đổi cán cân quyền lực trong quốc hội.

Tuy nhiên, ông Maung Wuntha, phân tích gia chính trị của tờ People's Age, một tuần san tin tức trụ sở tại Rangoon nói ông vẫn tin cuộc bầu cử này là một sự kiện quan trọng.

Ông cho rằng bà Aung San Suu Kyi là người có thể thay đổi bầu không khí tại Quốc hội. Bà được xem như một người lên tiếng cho dân, và bà sẽ có thể biến quốc hội thành một cơ chế cởi mở hơn.

Bất chấp những ngờ vực về tính công bằng của cuộc bầu cử, tất cả các quan sát viên đều coi cuộc bầu cử bổ xungï lần này như một bước trọng yếu nữa trên con đường đưa tới cải cách còn đầy bất trắc của Miến Điện.

http://www.voanews.com/templates/widgetDisplay.html?id=144951855&player=article