Brexit được hoãn thêm 6 tháng, điều gì sẽ xảy ra?

Thủ tướng Anh Theresa May đã thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu gia hạn thêm cho Brexit

Quá trình Brexit (tức nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đã được gia hạn thêm một lần nữa đến ngày 31/10 sau cuộc họp thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo EU vào tối ngày 10/4. Sự gia hạn này cho nước Anh thêm thời gian để tìm giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng Brexit. Tuy nhiên, với tình trạng chia rẽ như hiện nay, khoảng thời gian thêm 6 tháng này chưa chắc giúp nước Anh tìm được lối ra. Tờ Guardian của Anh đã đưa ra dự đoán về những gì có thể xảy ra trong vòng 6 tháng tới.

Đối với Đảng Lao động

Về ngắn hạn, Đảng Lao động chuẩn bị tiếp tục đàm phán với Thủ tướng Theresa May để xem liệu có đạt được sự nhượng bộ giữa hai đảng về mối quan hệ tương lai của Anh với EU mà cả hai bên đều ủng hộ hay không. Có hai vấn đề chủ chốt đe dọa triển vọng thành công: quyền hạn gần như không còn nữa của Thủ tướng May và liệu Đảng Lao động có lợi ích gì hay không trong việc cố đạt thỏa thuận với phe Bảo thủ.

Các thành viên cao cấp của Đảng Lao động không còn tin bất cứ điều gì bà May đề xuất sẽ được nội các của bà ủng hộ.

Bên trong nội bộ Đảng Lao động, khoảng thời gian gia hạn sáu tháng càng làm mọi chuyện thêm phức tạp. Các nghị sỹ của Đảng này sẽ không còn cảm thấy khẩn trương phải tránh Brexit không thỏa thuận. Các nghị sỹ Lao động vốn trước đây cân nhắc cuối cùng cũng sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà May giờ đây ít có khả năng làm vậy.

Trong khi đó, những người ủng hộ trưng cầu dân ý lại sẽ có thêm sức mạnh để hối thúc đảng của họ ủng hộ đạo luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý lần nữa trong thời gian được gia hạn.

Ngoài ra, Đảng Lao động có thể lợi dụng sự bất mãn của công chúng đối với Đảng Bảo thủ và bà May trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng tới và sau đó là trong các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu nếu như Anh vẫn không kịp ra khỏi EU trước ngày bầu cử.

Đảng Bảo thủ thì sao?

Vấn đề khẩn trương nhất đối với đa số các nghị sỹ Bảo thủ là loại bỏ Thủ tướng May. Ngay cả những thành viên Bảo thủ ôn hòa nhất cũng tin rằng quyền lực và khả năng trì hoãn của bà cạn kiệt.

Tuy nhiên, các thành viên nội các thừa nhận rằng về mặt kỹ thuật họ không thể làm gì để hạ bệ bà May trước tháng 12 khi Đảng Bảo thủ có thể một lần nữa tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm để buộc bà phải ra đi. Đây cũng là một yếu tố khiến cho EU cân nhắc gia hạn Brexit đến ngày 31/10.

Một số nghị sỹ Bảo thủ bất mãn sẽ tiếp tục chống đối thỏa thuận của bà May hay thậm chí sẽ tẩy chay các phiên họp Quốc hội. Cũng không có khả năng các đảng viên Bảo thủ sẽ nghiêm túc vận động cho cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu vào tháng tới.

Điều rủi ro vốn sẽ khiến Đảng Bảo thủ chia rẽ trầm trọng nhất là bà May đồng ý với yêu sách của Đảng Lao động là duy trì liên minh thuế quan với EU. Cơn phẫn nộ của phe cứng rắn trong Đảng Bảo thủ sẽ còn lớn hơn khi bà May xin EU cho gia hạn Brexit và sẽ có nhiều thành viên nội các của bà sẽ ra đi. Thậm chí động thái này còn khiến nhiều thành viên Bảo thủ hòa chung với Đảng Lao động bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May nếu Đảng Lao động đề xuất mở cuộc bỏ phiếu này.

Cuộc vận động trưng cầu dân ý lại

Các chuyên gia cho rằng tổ chức trưng cầu dân ý trước thời hạn 31/10 sẽ là thách thức lớn nhưng vẫn có khả năng. Những điều kiện cơ bản là một đạo luật mới, Ủy ban Bầu cử xem xét câu hỏi trưng cầu và giai đoạn vận động trong 10 tuần.

Ủy ban Bầu cử yêu cầu phải có luật về trưng cầu dân ý lại 6 tháng trước ngày mở cuộc trưng cầu ‘để đảm bảo các nhà vận động và các đơn vị tổ chức bỏ phiếu có đủ thời gian chuẩn bị.”

Nếu như rào cản thứ nhất là ra luật được giải quyết thì sau đó việc xem xét ra câu hỏi trưng cầu như thế nào sẽ mất đến 12 tuần. Một khi đã có câu hỏi Ủy ban Bầu cử sẽ chỉ định người lãnh đạo cho cả hai bên vận động trước khi bắt đầu giai đoạn vận động kéo dài 10 tuần.

Tuy nhiên, quá trình này có thể được cắt ngắn nếu câu hỏi trưng cầu được thẩm định song song với quá trình ra luật ở Nghị viện. Tuy nhiên, nếu câu hỏi trưng cầu là chọn lựa giữa ‘Ở lại EU’ và ‘Thỏa thuận ra đi của bà May’ thì trước hết cần phải đợi thỏa thuận của bà May được thông qua.

Các doanh nghiệp sẽ ra sao?

Trong vòng ba năm qua, các công ty ở Anh đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hy vọng kịch bản tốt nhất cho Brexit. Với sự trì hoãn này, mọi thứ đối với họ vẫn y nguyên.

Nước Anh sẽ không rơi vào giai đoạn suy thoái trong hai năm như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo, nhưng họ cũng không có được ‘lợi ích từ thỏa thuận’. Trì hoãn được xem là kịch bản đỡ xấu nhất.

Các doanh nghiệp lâm vào thế khó xử là phải chọn giữa việc xả bớt hàng hóa dự trữ vốn đã được tích trữ lên đến mức kỷ lục trong những tháng vừa qua rồi sau đó lại tiếp tục tăng cường tích trữ trước mùa thu hay duy trì lượng tích trữ để đối phó với sự gián đoạn nếu Brexit không có thỏa thuận xảy ra. Make UK, một tổ chức vận động cho khu vực chế tạo, nói rằng một số doanh nghiệp nhỏ đã bị dồn đến chân tường.

Các công ty nói rằng họ sẽ kiềm chế không đầu tư nữa, do sự bất định và khả năng có xáo động chính trị trong trường hợp tổ chức bầu cử sớm dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Châu Âu sẽ thế nào?

Rời khỏi hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU bàn về Brexit hôm 11/4, Tổng thống Pháp , Emmanuel Macron hồ hởi với việc ông là người duy nhất trong các lãnh đạo châu Âu chống đối việc gia hạn Brexit đến một năm (cuối cùng việc gia hạn được rút lại còn 6 tháng). Ông nói rằng thời hạn 6 tháng đó là ‘sự nhượng bộ tốt’. Nhưng trong khi được dư luận trong nước khen ngợi vì thái độ cứng rắn đối với Anh, ông Macron thừa nhận rằng việc gia hạn này không giải quyết được nhiều. “Chúng ta không có gì chắc chắn vào lúc này, và chúng ta đã biết trong quá khứ rằng có rất nhiều khó khăn.”

Thời hạn mới này cho EU một chút không gian để thở sau những ngày tập trung cho Brexit. Trong vòng 29 tuần tới trách nhiệm hoàn toàn nằm trong tay người Anh: hoặc là thông qua được thỏa thuận ra đi trước ngày 31/5 hoặc là phải tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu và do đó ở lại trong liên minh trong thời gian lâu hơn.

Vào tháng Sáu EU sẽ có kiểm điểm xem có tiến bộ gì không trong tiến trình Brexit nhưng điều này chẳng giúp được gì cho ông Macron trong mối quan ngại của ông rằng nước Anh sẽ là thành viên ‘bất hảo’ trong EU trong khoảng thời gian gia hạn mà nước này buộc vẫn phải ở lại trong khối.

Khoảng thời gian gia hạn này sẽ cho EU thêm một vài tháng để tập trung vào những vấn đề về ngân sách, lựa chọn người lên thay các vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu và chủ tịch Hội đồng châu Âu vốn sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 11.

Nếu như Anh muốn xin tiếp tục gia hạn Brexit sau ngày 31/10 nếu cần thiết thì điều kiện EU đặt ra sẽ cao hơn rất nhiều: chẳng hạn như phải bầu cử lại hay tổ chức trưng cầu dân ý lại thì mới được cho gia hạn.

Tuy nhiên các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng mối đe dọa hiển hiện của cuộc bầu cử Nghị viện châu vào ngày 23/5 mà Anh buộc phải tham gia nếu không thực thi Brexit kịp cuối cùng sẽ buộc những nghị sỹ đòi Brexit cứng rắn phải bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà May.