Bộ trưởng Trung Quốc kêu gọi Việt Nam hợp tác về chế tạo máy bay

Bộ trưởng Công nghiệp Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long gặp một đoàn Việt Nam ở Bắc Kinh, 30/9/2024.

Bộ trưởng công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc mới đây kêu gọi nước láng giềng Việt Nam cùng ý thức hệ cộng sản hãy hợp tác với nước ông trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay, một số báo Việt Nam đưa tin hôm 30/9.

Thanh Niên và Công An Nhân Dân cho biết lời kêu gọi được đưa ra khi vị bộ trưởng Trung Quốc tiếp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên của Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam-Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 30/9.

Bộ trưởng Kim Tráng Long bên phía Trung Quốc nói với người đồng cấp đến từ Hà Nội rằng hai nước có tiềm năng và không gian hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, theo tường thuật trên Thanh Niên và Công An Nhân Dân.

Vị bộ trưởng họ Kim được hai báo Việt Nam dẫn lời nói rằng Trung Quốc đã có trạm và làm chủ không gian vũ trụ của riêng mình, Thái Lan đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ này và Trung Quốc mong muốn Việt Nam sớm là thành viên.

Tiếp đến, ông Kim Tráng Long “đề xuất, kêu gọi” Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực “sản xuất, chế tạo máy bay” và khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không”, tin của Thanh Niên và Công An Nhân Dân cho hay.

Theo tìm hiểu của VOA, Việt Nam gần đây nổi lên là điểm đến cho một số hãng sản xuất linh kiện máy bay phục vụ cho hai hãng lớn hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus.

Hồi đầu năm, báo chí Việt Nam đưa tin về việc động thổ nhà máy có tên KP VINA ở Đà Nẵng mà dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay để sản xuất linh kiện cho hai loại máy bay Boeing 787 và 737 Max.

Cũng tại Đà Nẵng, từ năm 2019, đã có dự án trị giá tới 170 triệu đô la của hãng Mỹ Universal Alloy Corporation Asia để chế tạo các bộ phận cho máy bay Boeing 787, 777 và 737, và cho động cơ của hãng Rolls Royce.

Hồi năm ngoái, tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay đã có một số hãng nước ngoài hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để cung cấp thiết bị cơ điện và các cấu trúc bằng composite cho các dòng máy bay khác nhau của Airbus.

Gần đây hơn, vào cuối tháng 8 năm nay, báo chí trong nước cho biết Airbus đầu tư vào một công ty con của hãng Mitsubishi Heavy Industries ở Hà Nội để làm cửa thoát hiểm cho máy bay A321neo.

Bản tin hôm 30/9 của Thanh Niên và Công An Nhân Dân không nói rõ phía Trung Quốc muốn Việt Nam tham gia vào phần nào của việc sản xuất, chế tạo máy bay.

Hai báo không cho biết Bộ trưởng Diên của Việt Nam có hồi đáp gì cho lời kêu gọi về sản xuất, chế tạo máy bay.

Ông Diên được Thanh Niên và Công An Nhân Dân trích dẫn lời nói rằng ông đề nghị Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; công nghiệp tiêu dùng, chế biến và đóng gói thực phẩm; công nghiệp khai khoáng; công nghiệp hỗ trợ...

Như VOA đã đưa tin, đầu năm nay, Trung Quốc trình diễn và quảng bá ở Việt Nam và một số nước châu Á về C919 và ARJ21, những máy bay chở khách đầu tiên mà Trung Quốc tự chế tạo, và nhận được những phản ứng có phần thiên về hoài nghi dành cho hai loại máy bay này.

Sau đó, cuối tháng 6, tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nói trong đại hội cổ đông rằng hãng có đề án khai thác máy bay C919 của Trung Quốc trong bối cảnh hãng thiếu hụt máy bay trầm trọng. Nhưng cho đến nay chưa có thêm thông tin mới về việc liệu Vietnam Airlines sẽ thực sự sử dụng C919 hay không.