Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam nói đổi mới chính trị là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển quốc gia.
Truyền thông nhà nước dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hôm nay (22/1) trước Đại hội đảng lần thứ 12 nhận xét hệ thống chính trị hợp với kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời chiến là rào cản cho sự phát triển của Việt Nam ngày nay.
Ông Vinh nói công cuộc đổi mới trong 5 năm qua ‘chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn’ vì Việt Nam dù ‘đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một số kết quả nhất định, nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm’.
Bộ trưởng Vinh nhắc nhớ chiến lược phát triển quốc gia 2011-2020 thông qua tại Đại hội 11 cách đây 5 năm đã đề mục tiêu ‘đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế’, ‘đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng’, ‘xây dựng nhà nước pháp quyền’ và mở rộng dân chủ trong Đảng và xã hội.’
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh thành tựu lớn nhất của công cuộc đổi mới là chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam không thay đổi cho thích hợp.
Bộ trưởng Vinh nói dù pháp luật Việt Nam có khuyến khích công dân tham gia vào quản trị nhà nước nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách. Một ví dụ được nêu lên là quy trình bầu cử và cơ chế để các tổ chức xã hội tham gia vào công tác quản lý nhà nước chưa bảo đảm tính đại diện của người dân.
Ông Vinh khẳng định: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.” Vì vậy, vẫn theo lời ông, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách cho sự phát triển quốc gia.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cũng kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm túc những nghị quyết đưa ra, ‘đổi mới cơ cấu’ để hoạt động hiệu quả hơn, ‘lấy lại niềm tin trong nhân dân’.
Về đổi mới kinh tế, ông Vinh lưu ý 3 điểm chính bao gồm phát triển kinh tế đi đôi với bền vững môi trường, công bằng xã hội và nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, ông không đề nghị cách thức đổi mới chính trị cụ thể như thế nào.
Một số bình luận đăng tải trên các trang mạng xã hội chất vấn Việt Nam có thể đổi mới chính trị bằng cách nào khi mà đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước vẫn tự cho mình ‘ngồi trên Hiến pháp’.
Một độc giả góp ý thẳng thắn: "Khi nào Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn, khi đó mới nói đến chuyện cải cách thể chế".
Cũng có ý kiến cho rằng lời kêu gọi của Bộ trưởng Vinh chẳng qua là một hình thức tô bóng hình ảnh của các giới chức trong lúc diễn ra đại hội đảng 12, đánh dấu thay đổi nhân sự quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo Người Lao Động, Vietnamnet.
Your browser doesn’t support HTML5