Cựu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bị đề nghị kỷ luật vì ‘sai phạm’ trong vụ Thuận An

Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể bị đề nghị kỷ luật vì những "sai phạm" trong việc thực hiện các hợp đồng đấu thầu liên quan tới Tập đoàn Thuận An.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 13/11 đề nghị kỷ luật cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể do những vi phạm trong vụ án tham nhũng liên quan tới Tập đoàn Thuận An, theo truyền thông trong nước.

Trước ông Thể, vụ án tại Thuận An, một tập đoàn được cho là đã trúng các gói thầu xây dựng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn, đã khiến nhiều quan chức bị bắt giam, trong đó có Phạm Thái Hà, một phụ tá thân tín của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vụ bắt giữ ông Hà được xem là tiền đề khiến ông Huệ phải “đệ đơn xin thôi tất cả các chức vụ” và nghỉ hưu 5 ngày sau đó. Ông Huệ cho đến lúc này chưa bị xem xét hay đề nghị kỷ luật. Cũng không rõ việc ông bị ‘buộc’ phải thôi chức có liên quan đến vụ án ở tập đoàn Thuận An hay không.

Đề nghị hôm 13/11 được UBKTTƯ đưa ra trong một thông báo tại kỳ họp thứ 50 của ủy ban ở Hà Nội, trong đó nói rằng họ “nhận thấy Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện,” theo VnExpress.

Cũng đưa tin về quyết định này, Dân Trí cho biết cơ quan kiểm tra và giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói rằng một số cán bộ và đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của Bộ GTVT đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vẫn theo tờ báo, UBKTTƯ xác định rằng các lãnh đạo này đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

UBKTTƯ đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Thể và ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó còn gồm cựu Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ.

Tập đoàn Thuận An, chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng cũng như kinh doanh và đầu tư bất động sản, đã nổi lên là một nhà thầu trong các dự án làm cầu trong những năm gần đây. Theo VietNamNet, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp trong vài năm qua. Tờ báo này cho biết, chỉ riêng trong 2 năm từ 2022-2023, Thuận An giành được các gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng, trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Trước đây 2 tuần, UBKTTƯ cũng đã đề nghị kỷ luật cựu Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nguyên là một ủy viên Trung ương Đảng và từng là bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cũng vì sai phạm liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An. Theo Dân Trí đưa tin hôm 29/10, ông Cường bị quy là đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” và “buông lỏng lãnh đạo” trong việc thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Thuận An.

Những vi phạm của ông Thể và ông Cường đều được UBKTTƯ xem là đã “gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.”

Các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam thường bị đề nghị kỷ luật trước khi bị truy tố hay bắt giam vì những sai phạm mà họ bị quy kết.

Chiến dịch chống tham nhũng, do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2016, đã đưa nhiều quan chức cấp cao trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng vào tù, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị và cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Chiến dịch “đốt lò” được mở rộng mạnh mẽ khi ông Tô Lâm lãnh đạo bộ Công an. Công cuộc chống tham nhũng, sau một thời gian im ắng, giờ đây dường như đang ‘nóng’ trở lại khi ông Lâm trở thành lãnh đạo Đảng thay cho ông Trọng.

Ngoài ông Huệ, hai lãnh đạo ‘tứ trụ’ khác, gồm chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cũng đã bị buộc phải thôi chức giữa nhiệm kỳ vì những sai phạm được cho là liên quan đến các vụ án tham nhũng. Nhưng theo các nhà quan sát chính trường Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam khi Đại hội đảng khóa 15 đang đến gần.