Bộ Chính trị hôm 8/3 giới thiệu nhân sự ứng cử chức Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội hơn 1 tháng sau khi chức danh đầu tiên trong ‘tứ trụ’ được quyết định tại Đại hội Đảng 13, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản.
Tại buổi khai mạc Hội nghị Trung ương 2 khoá 13 ở Hà Nội, ông Trọng, hiện vẫn kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước từ khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời năm 2018, cho biết Bộ Chính trị đã “xem xét cẩn trọng” và “thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.”
Đại hội Đảng lần thứ 13, kết thúc hôm 1/2, đã bầu chọn ông Trọng, 77 tuổi, làm người đứng đầu Đảng Cộng sản nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp dù vị tổng bí thư nói với truyền thông trong nước rằng ông đã từng xin nghỉ vì “không được khoẻ lắm” và “tuổi đã cao”.
Theo quy trình, Bộ Chính trị, mới được bầu chọn từ Đại hội Đảng khoá 13 vừa qua, ứng cử 3 thành viên trong đó cho các chức vụ còn lại của ‘tứ trụ’ cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
“Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước,” ông Trọng được báo Chính phủ VGP News trích lời nói khi phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương hôm 8/3.
XEM THÊM: Chuyển giao quyền lực: Hà Nội cần ‘khéo léo’ trong quan hệ với MỹTheo quyết định được chính phủ công bố hồi tháng 12 năm ngoái, những thông tin về nhân sự cấp cao của Đảng, gồm ‘tứ trụ’ và ban bí thư, được coi là “tuyệt mật”, do đó tên các ứng viên cho 3 chức danh lãnh đạo cao nhất mà Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử không được ông Trọng tiết lộ.
Tuy nhiên theo giới quan sát và những thông tin dò rỉ trên mạng xã hội từ trước khi Đại hội Đảng 13 khai mạc hôm 25/1, hầu hết các ứng cử viên cho các chức vị cao nhất đều là những gương mặt được nhiều người biết tới trong chính trường Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales của Úc, những người đã nhận định chính xác việc ông Trọng được tái cử chức Tổng bí thư từ trước khi Đại hội 13 diễn ra, đều cho rằng 3 gương mặt còn lại là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, được đề cử giữ chức lần lượt là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.
Cả 3 ông Phúc, Chính và Huệ đều có tên trong danh sách 18 uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, được chọn ra từ 200 thành viên của Uỷ ban Trung ương Đảng do gần 1.600 đại biểu từ khắp cả nước tham gia bầu chọn tại Đại hội Đảng 13 vừa rồi, được công bố tại phiên bế mạc Đại hội Đảng hôm 1/2.
Ông Phúc, hiện 67 tuổi, cũng là trường hợp ngoại lệ về giới hạn tuổi như ông Trọng – khi theo quy định của Bộ Chính trị các uỷ viên tái cử không quá 65 tuổi – và được cho là được giới thiệu cho chức Chủ tịch nước, hiện đang do ông Trọng kiêm nhiệm, một chức danh được xem là ít quyền lực và mang tính “nghi lễ” nhiều hơn chức thủ tướng chính phủ. Theo kịch bản mà giới quan sát nhận định, ông Chính được đề cử thay ông Phúc trên cương vị thủ tướng. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân đã không tái cử ban chấp hành Trung ương khoá 13 và ông Huệ được cho là sẽ ứng cử thay bà trên cương vị đứng đầu quốc hội.
Ông Trọng hôm 8/3 nhấn mạnh rằng “vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã thông qua.” Theo ông việc này nhằm “đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoá của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.”
Dự kiến ba chức danh còn lại trong ‘tứ trụ’ sẽ được xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 14 dự kiến khai mạc cuối tháng này và kéo dài tới tháng 4.