Đường dẫn truy cập

Bộ Công an Việt Nam đề xuất một số cơ quan có quyền tiết lộ dữ liệu cá nhân


Một người dùng internet lướt mạng trên điện thoại tại một bến xe bus ở Hà Nội. Bộ Công an Việt Nam vừa soạn thảo một nghị định trong đó cho phép một số tổ chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiết lộ dữ liệu cá nhân ngừoi dùng.
Một người dùng internet lướt mạng trên điện thoại tại một bến xe bus ở Hà Nội. Bộ Công an Việt Nam vừa soạn thảo một nghị định trong đó cho phép một số tổ chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiết lộ dữ liệu cá nhân ngừoi dùng.

Bộ Công an Việt Nam hôm 17/2 cho biết họ vừa hoàn thành dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó đề xuất xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nhưng cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiết lộ dữ liệu cá nhân người dùng mà không cần sự đồng ý của chủ thể.

Chính phủ Việt Nam hồi cuối tháng 9 năm ngoái thông qua đề nghị của Bộ Công an soạn thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và giao cho bộ này xây dựng trình chính phủ trong quý 1 năm nay.

Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo nghị định và đang lấy ý kiến đóng góp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủBộ Công an từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hai tháng trước khi chính thức trình chính phủ phê duyệt.

Dự thảo nghị định này gồm 6 chương với tổng số 30 điều được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới dữ liệu cá nhân, theo Bộ Công an.

Bộ này đề xuất cấm việc tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác trong trường hợp dữ liệu được đề cập là “dữ liệu cá nhân nhạy cảm, làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu”. Theo dự thảo, “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” gồm các thông tin cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khoẻ, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục, hành vi tội phạm, trong số nhiều dữ liệu khác được pháp luật quy định là “đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết”.

Theo đề xuất của Bộ Công an, trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân đó, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ sẽ bị phạt từ 50 đến 80 triệu đồng. Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi như chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới hay vi phạm đăng ký sử dụng dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Lý giải việc cần thiết đưa ra các quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, một đại diện Bộ Công an không được nêu tên được VnExpress trích lời nói rằng hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.

“Điều này đặt ra các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng (nên) cần thiết phải có quy định để xử lý”, đại diện Bộ Công an nói.

Bộ Công an cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới, với số lượng người sử dụng internet đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số, và có mức tăng gần 20% so với năm 2018. Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng mạng internet, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook và 62 triệu tài khoản Google, theo thống kê được cổng thông tin điện tử chính phủ trích dẫn.

Thẩm quyền xử phạt với các hành vi vi phạm là Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an.

Tuy nhiên, Bộ này đề xuất trong dự thảo cho phép bên thứ ba – gồm tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền – có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia, cũng như công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng trong số các lý do khác.

Dự thảo cũng cho phép việc chia sẻ dữ liệu cá nhân hoặc cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp “theo quy định của pháp luật hoặc thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc thống kê”.

Một số ý kiến trên mạng đồng ý với dự thảo này trong khi một số người khác cho rằng cần có hình phạt tù đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm luật.

Một người dùng tên Trần Hưng bình luận trên trang Facebook của VTC rằng việc "tiết lộ dữ liệu cá nhân chỉ có ngân hàng và các trong tâm mua sắm .. Nên người dân khó tố giác chỉ mong chờ vào cơ quan nhà nước" trong khi một người dùng khác có tên Nguyễn Hùng Cường cho rằng phải phạt tù vì có thể mức phạt "80 triệu đồng" sẽ không ngăn người hoặc tổ chức tiết lộ thông tin cá nhân người dùng khi "kiếm được vài trăm tỷ" từ việc làm đó.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự thảo nghị định này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” trong bối cảnh vấn đề an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG