Ngày thứ Bảy vào lúc di dân đổ xô đến trại đăng ký Karatepes trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nhiều người mỉm cười nắm chặt các túi xách, vali và tay các em nhỏ.
Trại này là chặng dừng chân đầu tiên sau những chuyến đi vất vả trên các con tàu nhỏ bé từ Thổ Nhĩ Kỳ qua vùng biển động.
Một phụ nữ Syria từ Damacus đến nói: “Rất xấu, rất xấu.”
Theo cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, UNHCR, biển động vào mùa đông đã làm nhiều người không muốn làm một cuộc hành trình nguy hiểm trên những con tàu nhỏ bé không thích hợp cho những chuyến đi như vậy.
Ông Patric Mansour, trưởng phái bộ UNHCR trên đảo Lesbos, cho biết là có 2.500 người đến đảo trong một ngày mới đây, nhưng “chúng tôi có khoảng 6.600 người từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos.”
Tuy nhiên một số người vẫn nỗ lực làm cuộc hành trình nguy hiểm này trên những chiếc thuyền cao su không chắc chắn. Ông Mansour nói nhiều chiếc thuyền không thích hợp để đi biển và có thể không chịu đựng được chuyến đi dài 3 kilômét từ Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển phía bắc Lesbos.
Ông Mansour nói với Đài VOA là những chiếc thuyền này được đóng để đi trên hồ và sông, nơi nước lặng, không phải dùng đi biển.
Các chiếc thuyền được đóng để chở từ 8 đến 10 người, nhưng các tay chuyển lậu người chở đến 60 hành khách, mỗi người phải trả đến 1.500 đô la cho một chuyến đi như vậy.
Đối với di dân đây là chuyến đi một lượt và chiếc thuyền nhỏ với máy từ 15 đến 20 mã lực không đủ sức để chuyên chở nhiều người như vậy.
Các tay chuyển lậu người không đi theo thuyền. Họ chọn một di dân để lái, chỉ hướng đi –đôi khi là một đốm sáng ở xa nếu đi vào ban đêm—và để cho di dân tự lo liệu lấy.
Ông Mansour nói: “Và nếu máy hỏng, họ có thể bị trôi dạt trên biển.”
Di dân Ammar Gazmati, đến từ Damacus, Syria nói một số tay chuyển lậu người dùng súng để nhồi nhét di dân lên tàu. Nhiều di dân nghĩ là họ trả tiền để đi trên một du thuyền đưa gia đình họ đến Hy Lạp an toàn và họ kinh hoàng khi thấy những chuyền xuồng cao su nhỏ bé.
Ông Gazmati nói: “Khi di dân không muốn lên tàu, họ dùng súng đe dọa. Việc này xảy ra vào tối qua đối với một nhóm người, con tàu ngừng trên biển và tuần duyên giúp họ.
Lesbos là nơi dừng chân ngắn của di dân. Một nhóm di dân nói với Đài VOA tại trại đăng ký là họ ở tại đây chỉ một ngày để nghỉ ngơi và sau đó đi tắc-xi vào thị trấn.
Ông Osama, vóc dáng to khỏe với nụ cười rạng rỡ, là một kỹ sư điện tại Baghdad đứng sắp hàng dài bên ngoài văn phòng công ty du lịch ở Mytilene, gần trại đăng ký nói ông phấn khởi tiếp tục cuộc hành trình.
Tay cầm một vé phà ông Osama nói: “Chúng tôi có đủ giấy tờ và sắp đi bây giờ.” Khi được hỏi về điểm đến cuối cùng của ông là nơi nào thì ông trả lời “Nước Đức! Sau đó chúng tôi sẽ xem lại kế hoạch của chúng tôi.”
Các giới chức UNHCR nhấn mạnh là việc giảm sút con số di dân chỉ là tạm thời. Nếu tình hình trên biển được cải thiện, con số di dân lại sẽ tăng lên.
Your browser doesn’t support HTML5