Ông Lê Thanh Hải, nhà lãnh đạo uy quyền một thời ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa bị cơ quan kiểm tra của Đảng đề nghị kỷ luật vì những sai phạm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, báo chí trong nước đưa tin.
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được phát ra vào cuối ngày 8/5 nói rằng ông Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy, và tập thể do ông lãnh đạo đã ‘vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện’.
Kết luận này được đưa ra sau kỳ họp diễn ra trong hai ngày của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do chủ nhiệm ủy ban là ông Trần Cẩm Tú chủ trì. Đáng chú ý, kỳ họp này được triệu tập theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, thông cáo cho biết.
Ngoài sai phạm liên quan đến Vạn Thịnh Phát, bộ máy lãnh đạo thành phố dưới quyền ông Hải còn bị xác định sai phạm liên quan đến các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện.
“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật,” thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được báo chí dẫn lại viết.
Ông Hải và tập thể Thành ủy do ông đứng đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015 bị xác định có trách nhiệm chính, ngoài ra cũng bị xác định trách nhiệm còn có Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố do các cựu chủ tịch Lê Hoàng Quân (2011 - 2016) và Nguyễn Thành Phong (2016 - 2021) đứng đầu.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của tỷ phú Trương Mỹ Lan là tập đoàn bất động sản sừng sỏ ở thành phố lớn nhất nước. Trong nhiều năm, họ đã thâu tóm được những mảnh đất vàng ở các vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố mà nhiều người khác thèm muốn nhưng không lấy được, theo tìm hiểu của VOA.
Theo những đồn đoán mà VOA không thể kiểm chứng thì bà Trương Mỹ Lan được cho là có quan hệ mật thiết với gia đình ông Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sự phất lên của bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà lại trùng hợp với thời kỳ ông Hải nắm quyền lãnh đạo ở thành phố từ năm 2001 cho đến năm 2016.
Hôm 11/4, bà Lan đã bị tuyên án tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB, gây thiệt hại đến 27 tỷ đô la Mỹ cho ngân hàng này trong vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, bà Lan cũng sắp ra tòa về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ khi thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để chiếm đoạt đến hơn 1 tỷ đô la của người dân khắp cả nước.
Dư luận cũng như nhiều nhà quan sát từng nhận định với VOA rằng bà Lan không thể ‘một tay che trời’ ở thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm nếu không có sự ‘chống lưng’ của các quan chức lãnh đạo cấp cao.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc AIC hiện đang trốn lệnh truy nã, hồi cuối năm 2022 đã bị Tòa tuyên án 30 năm tù về các tội ‘Vi phạm quy định đấu thầu’ và ‘Đưa - Nhận hối lộ’ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Hiện chưa rõ với hậu quả được đánh giá là ‘rất nghiêm trọng’, ‘lãng phí rất lớn’ thì ông Hải sẽ đối diện mức kỷ luật nào. Hiện Đảng có 4 mức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Theo điều lệ Đảng thì Bộ Chính trị, Ban bí thư chỉ có quyền áp dụng hai mức kỷ luật thấp, còn hai mức kỷ luật cao thì phải trình ra Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Nhưng ngay cả khi đối mặt với hình thức kỷ luật cao nhất là ‘cách chức’ và ‘khai trừ’ thì ông Lê Thanh Hải vẫn có thể hạ cánh an toàn, nghĩa là được cho về hưu yên ổn, không bị truy tố hình sự và không bị tịch thu tài sản bất chính.
Cũng chưa rõ án kỷ luật ông Hải có dẫn đến việc ông bị truy tố hình sự hay không. Tuy nhiên, ngoài một trường hợp ngoại lệ là ông Đinh La Thăng, người kế nhiệm ông Hải, bị bỏ tù, thì cho đến nay tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, từ đương kim cho đến về hưu, đều không bị truy tố hình sự sau khi đã bị kỷ luật Đảng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hải bị kỷ luật. Cách nay hơn 4 năm, ông Hải đã bị Bộ Chính trị bãi bỏ tư cách cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015 do sai phạm liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Án kỷ luật này không đi kèm với truy tố hình sự sau đó mặc dù nhiều nạn nhân ở Thủ Thiêm đã đòi truy tố các lãnh đạo sai phạm.
Bị bãi bỏ tư cách cũng có nghĩa là ông Hải sẽ không được đối xử cũng như nhận được những đặc ân dành cho một cựu Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, do ông Hải nắm Thành ủy hai nhiệm kỳ cho nên ông vẫn còn tư cách cựu Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ kỳ 2005 - 2010.
Cách nay gần một năm, vào này 20/5 năm 2023, ông Lê Thanh Hải vẫn được đương kim Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Từng là bí thư Quận ủy Quận 5, ông Hải đã lần lượt leo lên các chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố từ năm 2001 đến năm 2006. Sau đó, ông vào Bộ Chính trị và được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong liên tiếp hai khóa, từ 2006 đến 2016.