Người dân miền Nam đã sống thời Việt Nam Cộng Hòa đều thuộc lòng hai bài hát, thường được đài phát thanh phát mỗi ngày. Một là bài “Xổ số Quốc gia giúp đồng bào ta, mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi!” được nghe với giọng rang rảng của Trần Văn Trạch trên radio. Hai là một bài đồng ca mấy năm lại xuất hiện một lần: “Rủ nhau đi bầu! Rủ nhau đi bầu! Tay cầm lá phiếu tự do, phân vân không biết bầu cho người nào! Bầu cho, bầu cho người nào?”
Ở nước Mỹ chính quyền không ra rả kêu dân đi bỏ phiếu như thế! Nhưng tự nhiên người dân nào cũng phải nhớ đến việc bỏ phiếu, vì, như năm nay, mỗi ngày trong hộp thư đều chất đầy hàng chục tờ quảng cáo của các ứng cử viên! Dù quý vị có thờ ơ với quyền công dân của mình đến mấy cũng không thể tránh không ngó qua hình ảnh họ, với những lời khoa thành tích của mình và đả kích các đối thủ. Riết một hồi thì ai cũng sẽ tự hỏi: “Bầu cho, bầu cho người nào?”
Nhìn những tờ quảng cáo của các ứng cử viên gửi tới nhà tôi nhận thấy một điều lạ: Tất cả đều là người gốc Việt Nam, trừ hai người gốc Đại Hàn và Đài Loan tranh chức dân biểu liên bang! Không thấy ứng cử viên “gốc Mỹ” hay “gốc Mexico” nào cổ động với mình cả! Có lẽ khu vực tôi sống không mấy người gốc Mexico. Còn các ứng cử viên Mỹ hầu như họ chỉ quảng cáo trên truyền hình.
Các ứng cử viên gốc Việt chắc cũng cổ động tranh cử trên ti vi và radio, nhưng họ có vẻ dùng phương tiện ấn loát nhiều hơn các sắc dân khác. Chắc vì cái gì in trên giấy được đọc kỹ và giữ lâu hơn, không bị “nghe qua rồi bỏ!” Đặc biệt, các tờ quảng cáo tranh cử đều có hai bản, tiếng Việt và tiếng Anh, không thấy một ngôn ngữ nào khác, dù hàng xóm tôi có người Trung Hoa, người Ấn Độ.
Số truyền đơn vận động tự khoe thành tích, “nói tốt” về mình tương đối ít, còn phần lớn là nhưng lời đả kích và “bêu xấu” đối thủ. Có một ứng cử viên bị tố cáo là “thân cộng!” Tờ quảng cáo gán cho những chữ “phản trắc,” “phản bội niềm tin của cộng đồng.” Nghe phải ngạc nhiên, vì đến bây giờ, ở ngay Little Sài Gòn mà còn có người “thân cộng” trong hoạt động chính trị công khai thì lạ thật! Sứ quán Việt Cộng hoạt động có hiệu quả tới vậy hay sao? Chắc tác giả lời cáo giác cũng cảm thấy hơi quá lố, không tiếp tục nữa. Một tờ truyền đơn khác kết tội người kia là theo chủ trương cấm phá thai, một đề tài nóng hổi trong mùa tranh cử trên cả nước Mỹ. Không ai biết trong cộng đồng cử tri gốc Việt có bao nhiêu phần trăm chống phá thai, vì chưa thấy cuộc nghiên cứu nào về chuyện này. Nhưng la lớn lên rằng một người chống phá thai thì cũng giúp người đó được nổi tiếng đối với những cử tri muốn chống phá thai. Người bị tố sẽ kiếm được nhiều phiếu ủng hộ mà không cần quảng cáo! Sau một lần, không thấy nói gì đến chuyện đó nữa.
Những tờ quảng cáo đả kích đối thủ thường nêu lên những điều xấu nhưng không thấy dẫn chứng. Một ứng cử viên bị tố cáo là khi làm việc đã biểu quyết “tăng thuế” và tăng lệ phí hơn 200 lần. Không biết có đúng không; mà làm sao mà đếm được nhiều như vậy? Tờ truyền đơn không liệt kê, cũng không cho biết có thể tìm tài liệu ở đâu để thấy bằng cớ. Nhưng không chỉ có các chính trị gia gốc Việt mới hay tố cáo khơi khơi kiểu đó. Các nhà chính trị ở Mỹ vẫn thường làm như vậy và cử tri nghe mãi đã quen rồi, không ai đòi hỏi phải trưng bày bằng chứng!
Một điểm đáng mừng là các ứng cử viên không chỉ lo đả kích nhau mà còn phô trương các thành tích và đề cao những lời hứa hẹn của mình. Một người kể công trạng đã nâng cao an ninh cho dân chúng, sửa sang đường xá trong thị xã của mình. Người kia hứa sẽ cắt giảm thuế, ngăn ngừa lạm phát, bảo vệ quyền lựa chọn (phá thai) của phụ nữ, và bảo vệ chế độ dân chủ.
Trong cuộc tranh cử năm nay, người Mỹ thường nhấn mạnh đến sự khác biệt đảng phái, Cộng Hòa và Dân Chủ. Người đảng này lớn tiếng cảnh cáo cử tri rằng nếu đảng kia thắng cử thì vô cùng nguy hiểm. Họ nói đến những tai họa, như kinh tế sẽ lụn bại, cuộc sống mất an ninh, hoặc chế độ dân chủ sẽ bị tiêu diệt, không còn nước Mỹ như xưa nữa. Điều đáng chú ý là các ứng cử viên gốc Việt Nam thuộc hai đảng chỉ đả kích lẫn nhau mà không miệt thị, hạ thấp giá trị đảng phái của đối thủ. Người Việt khiêm tốn hơn nên không muốn “vơ đũa cả nắm” chăng? Hay vì các ứng cử viên muốn thu hút lá phiếu của tất cả các cử tri, dù họ theo Cộng Hòa hay Dân Chủ?
Hai ứng cử viên ở khu Little Sài Gòn đang giành nhau chức đại biểu nghị viện tiểu bang California đã làm giống các nhà chính trị Mỹ khác, là dẫn chứng tỏ mình được nhiều người trong chính giới địa phương ủng hộ. Một vị chủ tịch của nghiệp đoàn các quản giáo coi tù viết lời ca ngợi một ứng cử viên là “một người lãnh đạo hết lòng đặt quyền lợi cộng đồng lên cao nhất.” Tờ cổ động còn được một hội các chủ cao ốc cho thuê, một hội xây cất đứng tên ủng hộ. Ứng cử viên bên kia cũng dẫn chứng những lời ca ngợi của ba vị dân cử gốc Mỹ, một thị trưởng và hai nghị viên thuộc ba thành phố khác nhau trong đơn vị tranh cử. Ứng cử viên được một người khen là chỉ dùng hành động để chứng tỏ mình giữ đúng lời hứa; người khác khen là biết đặt quyền lợi cộng đồng trên mưu cầu chính trị.
Nhìn vào cuộc tranh cử giữa những người Việt Nam ở Little Sài Gòn thấy rất vui. Sau hơn 40 năm, người Việt ở Mỹ đã “hội nhâp” vào cuộc sống dân chủ, không thua cũng không hơn gì dân “bổn xứ.” Họ phô bày cả những điều hay cũng như các nết xấu trong cuộc chạy đua!
Bây giờ nói đến các cử tri gốc Việt. Có lẽ người Việt đi bỏ phiếu nhiều hơn các sắc dân khác một phần cũng vì những người tị nạn chạy thoát khỏi một chế độ độc tài thì biết quý trọng quyền tự do bỏ phiếu hơn bình thường. Cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu hăng hái cũng nhờ được khích động qua các hoạt động tranh cử sôi nổi như kể trên đây.
Những người khó tính có thể than phiền rằng trong mùa tranh cử các ứng cử viên bêu xấu nhau nhiều quá; không ngần ngại bới móc, vu cáo lẫn nhau; làm mất hòa khí và tình đoàn kết giữa đồng bào. Hơn nữa, còn giảm giá trị của cuộc sống dân chủ. Nhưng chế độ tự do dân chủ ở đâu cũng vậy. Người ta luôn luôn nêu ra và nhấn mạnh đến những bất đồng ý kiến. Xã hội loài người rất phức tạp, mỗi nhóm người có các quyền lợi riêng, xung khắc với nhau. Bao nhiêu người nghĩ đến các giải pháp khác nhau trước các vấn đề chung; tất cả phải được tự do trình bày cho người dân lựa chọn.
Điều thiết yếu trong tinh thần dân chủ là biết kính trọng các ý kiến, lập trường khác mình. Mỗi lần tranh cử là tham dự một “cuộc chơi,” như một trận đá banh. Mọi người dự cuộc đấu hết mình, nhưng không coi đối thủ là kẻ thù; người thắng thì vui nhưng kẻ bại cũng chấp nhận, chờ trận đấu sau có dịp lật ngược kết quả. Gần 300 năm qua, người Mỹ vẫn cố gắng sống trong tinh thần đó, và họ sẽ tiếp tục sống như thế!