Sau giờ làm việc, Viet Doan miệt mài đến gõ cửa từng nhà trong khu vực nơi anh sinh sống và trò chuyện với họ. Có những ngày anh trở về nhà lúc tối muộn. Chút thời gian còn lại của ngày anh dành cho vợ và con nhỏ, thời gian dành cho cá nhân anh giờ hầu như không có.
“Lẽ ra tôi có thể có một sở thích, thế mà tôi lại quyết định ra tranh cử,” anh nói.
Anh là một trong hàng ngàn ứng cử viên đang tham gia tranh cử từ cấp địa phương cho tới liên bang trên khắp nước Mỹ trong đợt bầu cử giữa kỳ diễn ra vào ngày 8 tháng 11 tới đây. Vị trí mà anh đang nhắm tới là một ghế thành viên trong hội đồng điều hành Quận Montgomery của bang Maryland, một khu vực thuộc vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Washington.
Nếu đắc cử anh sẽ là một trong những thành viên người Mỹ gốc Á hiếm hoi, nếu như không phải là đầu tiên, góp mặt trong nhánh lập pháp của chính quyền quận có dân số đông nhất ở bang miền Đông này của Mỹ.
Và càng hiếm hoi hơn nữa, anh là một người theo Đảng Cộng hòa giữa gần như tuyệt đại đa số những người theo Đảng Dân chủ.
“Tôi nghĩ có chỗ cho tiếng nói ôn hòa và cho những người có quan điểm trung dung ở đây trong Quận Montgomery,” anh Viet, 36 tuổi, nói khi mô tả về mình trong một cuộc phỏng vấn với VOA gần đây. 7’18 “Tôi cũng nghĩ là có một cách làm chính trị hay hơn, và chúng ta không cần phải theo bước của những nhân vật chóp bu của đảng ở cấp quốc gia nói những lời khó nghe khi nói về chuyện chính trị.”
Cách làm chính trị hay hơn, theo anh, phải “được định hướng bởi tình yêu thương và lòng trắc ẩn” và không chỉ bởi bằng kinh nghiệm mà họ đem tới cho chức vụ của họ mà còn bởi khả năng lắng nghe người dân và nêu bật những mối quan tâm của họ.
Anh tin mình là một ứng cử viên như vậy, và đó là điều cử tri đang mong mỏi.
“Họ chán ngán những điều cực đoan trong chính trị,” anh nói “Họ chán ngán lên mạng xã hội và bật tin tức lên buổi tối thấy các chính trị gia quát tháo lẫn nhau và mạt sát nhau. Họ muốn có sự văn minh lịch sự một chút trong chính trị. Họ muốn một người nào đó không quan tâm tới đối thủ của mình hoặc không quan tâm đến chuyện ủng hộ một đảng nào đó, mà quan tâm đến người dân và quan tâm đến những giải pháp.”
Với công việc hiện tại là chuyên viên tư vấn quản lý rủi ro, anh Viet nói anh thường xuyên lắng nghe những vấn đề của khách hàng rồi sau đó đưa ra giải pháp. Trước đó anh phục vụ trong chính phủ liên bang tại Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ trong vai trò luật sư, và từng làm việc tại một văn phòng di trú hỗ trợ phụ nữ chạy lánh khủng bố và bạo lực tại đất nước của họ.
Tự gọi mình là “người lắng nghe chuyên nghiệp,” anh đang dành phần lớn thời gian sau giờ làm việc chính thức của mình để đi nói chuyện với cử tri khắp địa hạt bầu cử mà con số giờ đã lên tới khoảng “vài ngàn người,” bao gồm tại những sự kiện vận động tranh cử và những chuyến đi gõ cửa từng nhà, anh cho biết.
Tình trạng của nền kinh tế, được phản ánh qua giá cả leo thang do lạm phát, là mối lo ngại của nhiều cử tri mà anh đã tiếp xúc, anh nói và cho biết anh đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong vùng bị tổn hại vì đại dịch, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc dọn đi nơi khác.
“Những nền kinh tế địa phương mạnh nhất gắn liền với những doanh nghiệp địa phương mạnh nhất và mạng lưới doanh nghiệp địa phương,” anh giải thích. “Tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương của chúng tôi để họ phát huy thế mạnh của mình. Và điều đó có nghĩa là cấp cho họ cùng những công cụ và nguồn lực mà chúng ta cấp cho các công ty lớn.”
Đối thủ của anh Viet, ứng cử viên Natali Fani-Gonzalez thuộc Đảng Dân chủ, từng là phó chủ tịch của Ủy ban Công viên và Quy hoạch Quận Montgomery, đồng ý rằng cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy kinh tế trong địa hạt. Bà Fani-Gonzalez nói các doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung bình không có những nguồn lực để nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ cấp liên bang, cấp bang và cấp địa phương trong đại dịch.
“Đối với những người có trình độ cao hoặc có nhiều hiểu biết thì việc điền đơn có vẻ đơn giản thôi, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp đang chật vật, họ đâu có thời gian mà nghỉ một ngày để tìm hiểu cách điền đơn,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương Bethesda Magazine. “Bản thân tôi đã nói chuyện với những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn này và tôi thấy khá sốc. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy tình hình nguy cấp như thế nào.”
Trong khi anh Viet nói anh là “người lắng nghe chuyên nghiệp” thì đối thủ của anh mô tả mình là người có “thành tích vững chắc” trong việc đấu tranh về nhà ở giá phải chăng, phương tiện giao thông công cộng, an toàn cho người đi bộ và người chạy xe đạp, môi trường, và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
“Tầm nhìn của tôi cho Quận Montgomery đơn giản như sau: trường học tốt hơn, các khu dân cư an toàn hơn, ít kẹt xe hơn, và nhà ở mà các gia đình trung lưu có thể mua được,” nữ lãnh đạo 41 tuổi của một công ty về chính sách và truyền thông chuyên về các vấn đề như quyền sinh sản, LGBTQIA+, kiểm soát súng và tiếp cận giáo dục mầm non này nói trên website của bà.
Tại một địa hạt mà phe Dân chủ chiếm ưu thế áp đảo trong nhiều năm qua, anh Viet thừa nhận sẽ là điều bất ngờ nếu anh giành chiến thắng. Nhưng anh nói mỗi lần anh có dịp trò chuyện với cử tri và lắng nghe ý kiến của họ, và họ lắng nghe những điều anh chia sẻ, anh thực sự tin rằng anh đã kết nối được với họ và thông điệp của anh được họ đón nhận.
Đó là vì anh, cũng như phần lớn cư dân ở địa hạt này, sinh trưởng trong một gia đình di dân, và anh thấu hiểu những thách thức mà di dân gặp phải trong cuộc mưu sinh ở Mỹ.
“Người Việt Nam mình, mọi thứ chúng ta có ở đất nước này là do tự tay chúng ta gầy dựng nên,” anh nói. “Niềm tự hào nằm ở chỗ đó và tôi tin chắc rằng đó là điều căn cơ trong bản tính con người, rằng chúng ta muốn tự mình thành đạt. Chúng ta không muốn nhận những thứ cho không từ chính phủ. Điều chúng ta muốn từ chính phủ là sự bình đẳng để tiếp cận những cơ hội cho phép chúng ta phát triển và thành đạt.”
Trong cuộc đua này, cơ hội đối với anh Viet là anh đã có thể giới thiệu tư cách ứng cử viên của mình cho những cử tri trong địa hạt và đem tới cho họ một thông điệp về cách làm chính trị mà anh cho là “hay hơn.” Những khó khăn về nguồn tài chính tranh cử hạn chế hay cơ may chiến thắng không làm anh nản lòng.
Khi ngày bầu cử đang đến gần, anh ráo riết đẩy mạnh nỗ lực vận động của mình bằng cách gõ cửa nhiều nhà nhất có thể và nói chuyện với nhiều người nhất có thể.
“Tôi chỉ nghĩ dù thắng, thua, hay hòa, việc tôi đi vận động, việc người ta thấy một người Mỹ gốc Việt bắt tay nói chuyện với những nhóm người về những thách thức mà các cộng đồng đang đối mặt, đó là điều tốt,” anh lạc quan chia sẻ.
Diễn đàn