Tôi ngồi dậy. Tên cán bộ cai tù còn trẻ. Y trạc ba mươi. Da trắng, khuôn mặt y đẹp trai một cách cải lương. Chiếc đồng hồ trên cổ tay y thuộc loại đắt tiền. Hiệu Longines, mỗi con số là một hột xoàn. Giây đeo màu vàng tựa như được đánh ra từ vàng khối.
“Đồng chí Hà nói với tôi là anh là thầy học của đồng chí. Đúng vậy không?”
Tôi gật đầu, mắt vẫn nhìn y.
Tôi biết y là ai rồi. Y chính là người sưu tập đồng hồ. Y là Sáu Phận. Giọng nói của y làm tôi nhớ lại tên cai tù ra lệnh cho tôi ngay đêm đầu tiên tại nhà tù này phải vào xà lim nằm chung với Tư Long. Tôi hiểu được rằng điều này có nghĩa là người tù tên Bình và tên cai tù Sáu Phận quả có mối liên hệ như lời cha Minh nói. Nhưng tôi chưa kịp hiểu vì sao y không để tên Bình nói chuyện với tôi mà y lại đích thân làm việc này. Thật ra tôi chưa cần tìm hiểu. Tôi đang mong gặp Quỳnh. Tôi tưởng tượng thấy khuôn mặt vợ tôi đầm đìa nước mắt bế con đứng bên kia song sắt, dưới chân là một giỏ đựng thức ăn và đủ thứ linh tinh mà một người tù được phép nhận. Tôi tưởng tượng Quỳnh sẽ đứng đó không nói lời nào cho đến khi bị tên cai tù đuổi đi vì hết giờ thăm nuôi. Tôi như thấy lại chiếc răng khểnh của Quỳnh, đôi mắt màu nâu mã não, trên khuôn mặt thơ ngây, không bao giờ ngừng thơ ngây, đã chiếm hết chỗ trong trái tim tôi.
Tôi nhìn ra sân. Trưa nắng. Tiếng đọc tên người được thăm nuôi vang lên ơi ới, chuyền miệng nhau, tên này chồng lên tên kia.
“Đồng chí Nhị Hà đã lấy phép về thành phố Hồ Chí Minh thăm gia đình…”
Xong y đứng dậy, bàn tay phải y chùm lên chiếc đồng hồ ở cườm tay trái như muốn che đậy sự sang trọng. Y bước đi, không ngoảnh lại. Đúng lúc đó, cha Minh vào xách theo một giỏ quà thăm nuôi. Ngồi xuống chỗ nằm của mình, cha Minh bày thức ăn ra trên mặt báo, những thức ăn đã bị mở tung ra để kiểm soát trước khi tù đưa về chỗ nằm.
“Sao anh không ra ngoài chờ nghe coi có người nhà thăm nuôi không?”
“Cha nói đúng cái câu mà một người vừa mới nói với tôi.”
“Ai vậy? Phải cái ông Bình cò mồi không?”
“Thưa cha, không.”
“Vậy thì cái ông có đeo đồng hồ vàng. Phải không?”
“Sao cha biết?”
“Tôi đoán chừng thôi. Mà có đúng vậy không?”
Tôi gật đầu.
“Vậy thì cứ ra ngoài sân đi lòng vòng chỗ cửa sắt coi. Sáu Phận nói chuyện gì khó tin chớ chuyện thăm nuôi là tin được.”
Tôi đứng dậy ra giếng múc nước đánh răng rửa mặt. Đầu tôi đã trọc như gáo dừa.
Tôi dội nguyên một gầu nước lên đầu. Hai tay tôi chà xát thật mạnh vào da đầu. Tôi muốn tìm chiếc gương soi lại mặt mũi tôi. Tôi không muốn để Quỳnh thấy tôi bạc nhược, tả tơi, thê thảm. Không, người trong tù phải giúp cho người bên ngoài tù yên tâm, tin tưởng, lạc quan mà sống. Phải như thế. Tôi đánh răng thật kỹ. Tôi không bịnh. Tôi không bịnh. Tôi không bịnh. Tôi là người khỏe mạnh. Tôi… lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu các câu nói đó. Và tôi vuốt lại bộ quần áo độc nhất đã mặc từ ngày vào tù. Bộ quần áo ấy tôi đã giặt hai lần vào những buổi tối. Hai lần tôi được cha Minh cho mượn chiếc áo chùng của cha để ngủ chờ quần áo khô. Tôi yên tâm thấy quần áo tuy có nhàu nát nhưng không hôi hám. Tôi tưởng tượng tôi đang có bộ mặt vui vẻ. Tôi đi vòng ra phía cửa sắt. Tôi đứng sau lưng những bạn tù đang lao nhao chờ đọc tên mình. Tôi kiễng chân lên cố nhìn những thân nhân của người tù bên kia song sắt. Tôi hy vọng Quỳnh đang có mặt. Tôi hy vọng Nhị Hà đã báo cho Quỳnh biết. Tôi hy vọng Sáu Phận đã đưa thư tôi cho Quỳnh. Tôi tưởng chừng thấy Quỳnh đang bế con, giỏ thức ăn dưới chân dáo dác tìm kiếm tôi bên trong song sắt. Tôi chắc chắn Quỳnh sẽ khóc khi ôm tôi, dụi cái mái tóc ngắn ngổ ngáo vào ngực tôi. Tôi chắc Quỳnh sẽ cười nói rằng “ngu lắm, không khóc nữa đâu”. Tôi tưởng… nhưng không, không có gì hết. Người tù có vẻ đông hơn đám nhân thân ngoài kia. Chừng mười người đàn bà, có người bế con, có người dắt con, có người còn trẻ, có người đã già, ăn mặc đủ kiểu, đủ loại. Tên công an coi tù đứng giữa, trên tay cầm tờ giấy. Tôi thấy hắn đọc khó nhọc, như thể hắn đang bị hành xác. Tôi nhìn quanh quất thêm một lần nữa đám thân nhân bên ngoài. Cố tưởng tượng Quỳnh mặc bộ bà ba đen, đang tay xách nách mang, lỉnh cà lỉnh kỉnh những thứ thăm nuôi tù. Không. Không có Quỳnh. Có một người đàn bà trẻ đang đứng khóc. Dưới chân chị là một giỏ quà nhỏ. Có tiếng mấy người tù bên trong nói chuyền nhau. “Cam Duy Nghĩa bị đưa đi rồi!” Người đàn bà trẻ vẫn đứng yên. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên hai gò má xanh xao. Một bà lão da mặt nhăn nheo, hai gò má tóp lại, vịn tay lên song sắt, cả khuôn mặt bà áp sát vào cửa, tưởng như bà muốn chui vào trong tù. “Thằng Sanh đâu? Tui muốn gặp thằng Sanh, cháu tui!” Không ai trả lời. Tên công an coi tù gỡ những ngón tay của bà ra khỏi song sắt, “Bà đi về đi! Ở đây không có ai tên Sanh mà! Bà về đi!” Bà lão vẫn nhất định không nghe, những ngón tay bà bám chặt hơn vào song sắt, cả chiếc đầu nhỏ bé của bà với chiếc miệng móm, hai con mắt sâu, mái tóc bạc trắng thưa thớt như chui hẳn vào giữa hai thanh sắt. “Tui muốn gặp thằng Sanh. Nó là cháu tui. Nó có làm gì đâu mà mấy người bắt nó, nhốt nó. Trả thằng Sanh cho tui!”
Giữa những tiếng kêu của bà lão là tiếng la mừng rỡ của một người tù khác nghe xướng đúng tên mình có người nhà thăm nuôi. Tiếng cười của người tù, tiếng khóc của người bên ngoài cửa sắt.
Tôi không thấy Quỳnh đâu, nhưng tôi vẫn hy vọng. Có thể mẹ con nó được tin tức mình quá trễ, chưa kịp mua sắm gì thăm nuôi chồng. Có thể thư tôi chưa đến tay Quỳnh. Có thể Nhị Hà không muốn cho nhà tôi biết. Có thể Sáu Phận có âm mưu gì đây. Có thể tên Bình cò mồi muốn ếm tôi để Sáu Phận làm tiền. Có thể… có thể Quỳnh sắp tới, Quỳnh đang tới. Bao nhiêu điều “có thể” đang nhảy múa trong đầu tôi.
“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”
Tôi nghe có người gọi tên tôi. Tôi nhìn chăm vào miệng tên công an đứng bên cửa sắt. Không, hắn không đọc tên tôi. Hắn đang xếp tờ giấy bỏ vào túi. Đám tù bắt đầu rã hàng. Bà lão bên ngoài cửa sắt đang quỵ xuống. Một cô gái đang cúi xuống đỡ bà.
“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”
Tiếng kêu tên tôi lặp lại một lần nữa. Tôi quay ra phía sau. Một phản ứng rất tự nhiên tôi giơ tay lên.
“Anh là Trần Lâm Thăng hả?” Tên coi tù, tay đeo đồng hồ, chống nạnh hỏi giọng bực bội. “Anh có điếc không?”
“Không.” Tôi trả lời gọn.
“Không điếc, sao không lên tiếng?”
“Tôi tưởng có người nhà thăm nuôi.”
“Tưởng cái gì? Đi theo tôi!” Hắn ra lệnh và quày quả bỏ đi.
Mấy người tù trong sân ngó tôi ái ngại.
“Làm việc!”
“Sao làm việc ban ngày?” Tôi nghe tiếng cha Minh nói bên tai tôi khi cha đi ngược chiều tôi. “Cẩn thận!”
Băng qua bờ giếng, chui qua cánh cổng nhỏ nằm dưới chòi canh, tường lởm chởm mẻ chai và kẽm gai, tên công an dẫn tôi đến một căn phòng rộng. Giữa phòng là một cái bàn và hai cái ghế. Một người đang ngồi quay lưng về phía tôi. Mái tóc bạc trắng, những ngón tay đang gõ gõ trên mặt bàn, khói thuốc bay lên. Tên công an đến gần đứng thẳng người.
“Báo cáo thủ trưởng, Trần Lâm Thăng đã đến!”
“Cám ơn!” Người ngồi trên ghế không buồn quay mặt lại.
Tôi lặng người. Tôi biết người đàn ông tóc bạc kia là ai rồi. Tôi không ngờ. Tôi thật không ngờ. Người đang chờ tôi là Mười Tân.
Tên công an coi tù đã bỏ đi.
“Mời cậu Thăng ngồi. Lâu quá phải không?”
Trích Bụi & Rác.
Chương Mười Bốn - Phần 2