Đường dẫn truy cập

Bùi Giáng, Một Bài Thơ Lạc Vận


Bùi Giáng, Một Bài Thơ Lạc Vận
Bùi Giáng, Một Bài Thơ Lạc Vận

Bùi Giáng đã được nói đến nhiều. Mỗi người đọc ông nói đến ông theo một cách. Người ta nói đến thơ ông, nói đến tư tưởng của ông, nói đến cách thế ông sống, tùy theo cách nhìn của mình.

Người ta nhìn thấy ở ông, rõ hơn, kiến thức của ông, tư tưởng của ông, như một hội tụ lớn của tư tưởng Đông Tây.

Người ta cũng nói đến ông như một người điên.

Nếu ai đã có dịp nhìn thấy ông mang trên mình đủ các thứ: nồi, niêu, xoong, chảo, vành bánh xe đạp, đầu đội mũ sắt, vắt trên vai những miếng băng vệ sinh nhặt được ở đâu đó, tay cầm một chiếc gậy, đứng giữa đường, thổi còi, vung tay chỉ lối cho xe cộ, thì coi ông là một người điên cũng không có gì quá đáng.

Nhưng cũng người điên ấy, vai mang một tấm biển, đi rong qua các phố, trên tấm biển có những dòng chữ viết tay:

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời


Thì nhiều người lại cho rằng đó là một người điên giả vờ. Một sự việc quan trọng như thế, một người Việt “đi dép lốp mà bay vào vũ trụ” như thế, mà nói tới một cách giễu cợt vậy sao?

Ông đã bị công an bắt giam.

Nhưng rồi sau đó người ta cũng thả ông ra, vì... ông điên! Và có lẽ vì điên nên ông không biết sợ, ông nói toáng lên những điều có người nghe rồi cười, có người không muốn nghe, cả những điều người ta không dám lập lại dù là để báo cáo đi nữa!

Người ta cũng nhìn thấy ông, mặc bộ quần áo rằn ri của quân đội cũ, đứng trước cửa trường Đại Học Vạn Hạnh, nhìn các đám sinh viên nam nữ qua lại, mủm mỉm cười, bảo: “Lịch sử bức bách tụi bay quá!”

Còn rất nhiều những giai thoại liên quan tới Bùi Giáng, liên quan tới những cơn điên của ông, liên quan tới thơ ông.

Cũng vô lý như làn kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư vô.


Đọc một lần, đọc hai lần những câu thơ ấy của Bùi Giáng, ai có thể cả quyết ông nói tới điều gì?

Cái mất, cái còn, cái cổ xưa, cái cận đại, Hồn nguyên tiêu / Phượng Thành Hy Lạp úa / Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa / điển tích và những câu nói cửa miệng xen lẫn, bờ trùng ngộ là gì mà có cả một phen này phen nữa?

Đọc liền một lúc một bài thơ của Bùi Giáng, đọc một hơi mươi mười lăm câu thơ của ông, người ta có cảm tưởng ông đùa rỡn với một điều gì đó hết sức nghiêm trọng. Nhưng đã nghiêm trọng sao lại đùa? Đọc một hai câu thơ của ông thôi, có khi chúng ta lạnh mình, tựa hồ bị thổi tạt bởi một cơn gió rét không biết tự phương nào lại.

Đất hoa khóc vĩnh biệt trời
Ngàn cây cố quận đổi lời sương thâu


Đất khóc, trời khóc hay người khóc? Nhưng khóc cái gì mới được chứ? Đất trời có vĩnh biệt đã vĩnh biệt lâu rồi, không còn gì để khóc. Ngàn cây cố quận đổi lời sương thâu. Hãy tưởng tượng một sớm hay một chiều nào đó, ta trở về quê cũ, ngẩng mặt trông những hàng cây, gió thổi lùa sương từ cành này qua cành khác. Cành nói với lá. Lá nói với hư vô, nói với ta, hay chỉ vì gió lay nên cành động? Cố hương. Cố quận. Cố nhân tình. Mờ mờ, ảo ảo.

Cảnh cũng là người và người cũng là cảnh, lẫn lộn trong sương mù.

Ta cười cợt, ta nghiêm chỉnh, ta nhớ quên, ta làm bộ hay ta biết rõ, tất cả đều diễn ra cùng một lúc với cái chết. Cái chết như sương mù bôi xóa.

Nhưng nghĩ như thế cũng có thể là nghĩ sai về thơ Bùi Giáng.

Hãy nghe ông nói về thơ ông:

“Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn, châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi”.

Hoặc:

“Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.

Ông còn bảo rằng:

“Kẻ nào tự xét mình từ trong tinh thể mà ra chả có chi là phiêu bồng tí chút thì chả nên cưỡng cầu tự ép uổng ghé vào thi ca thâm xứ mà chi”.

Như thế, Bùi Giáng vừa làm thơ vừa muốn đóng cửa thơ.

Nguyễn Vy Khanh, trong một bài viết về thơ Bùi Giáng cũng cho rằng “người ta đã viết nhiều về hành trạng Bùi Giáng hơn là thơ của ông”.

Nhưng hành trạng sống của ông cũng là thơ ông.

Thơ ông làm là để tặng chuồn chuồn châu chấu tại sao chúng ta lại lấy đọc rồi trách ông tư tưởng rời rạc, không có hệ thống?

Trữ tình chăng?

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con


Hiện thực chăng?

Bây giờ em để quần đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?


Cười cợt chăng?

Que diêm que lửa que lời
Cõi trăm năm cũng một đời ba que.


Hai câu thơ vừa rồi rút trong bài “que diêm” Bùi Giáng viết sau năm 1975.

Thơ Bùi Giáng như vậy.

Ông không khóc nhưng hình như thơ ông có nước mắt. Ông cười cợt khi nói lời nghiêm trang. Ông nói với chính mình nhiều hơn với người khác.

Về cái chết của mình ông đã để sẵn trong tập Mưa Nguồn cách ngày ông qua đời mười năm mấy câu này:

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu


Bùi Giáng là ai?

Một trung niên thi sĩ như ông vẫn tự gọi?

Một nhà thơ lớn của Việt Nam?

Hay giản dị: ông chỉ là một người điên?

Rất nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học của chúng ta, đã thử trả lời câu hỏi ấy, nhưng hình như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Mỗi người nhìn ông một khác.

Người ta viết, nói về Bùi Giáng như một cách tự giải đáp những thắc mắc của mình về Bùi Giáng nhiều hơn là thơ của ông.

Và khi nói về thơ của ông dường như người ta lại nói về các giai thoại quanh ông, những điều bàn tán về ông nhiều hơn.

Nhưng nếu người ta đã có lần đọc Bùi Giáng, yêu những bài thơ, những bài phiếm luận của ông liên quan tới thi ca, triết học, tôn giáo, chuyện tào lao dính tới Brigitte Bardot, Kim Cương hay Mẹ Phùng Khánh của ông, thì người ta sẽ vô cùng thích thú vì thấy tất cả những điều đàm luận kia chẳng khác những tấm gương phản chiếu nhiều khuôn mặt của Bùi Giáng: cười cợt, đau đớn, nghiêm chỉnh, điên rồ...

Nhà thơ Huy Tưởng coi Bùi Giáng là “Thông tuệ và tài ba ngất trời điên đảo”.

Nhà văn Mai Thảo viết: “Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, trùng trùng một biển văn chương.”

Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy cho rằng: “Đi cho tới cùng cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ tới đỉnh cao chót vót của nó sống với nó trong từng mỗi giây phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ chỉ mới có Bùi Giáng là một.”

Nhà văn Cung Tích Biền cho thấy một Bùi Giáng trong thơ và ngoài đời như sau:

"Sống giữa đời ông có khả năng lấy mật đắng, ớt cay làm ngọt. Ăn cơm để thiu rất nhiều ngày. Ông ăn chè ngọt nấu cả với tương chao, nêm vài con mắm. Ông nổi tam bành lúc người đời lẽ ra nên cười, được phúc, đắc lợi. Ông rất vui với những ngày chói lòa ánh dương trong một thị thành mà nhìn xe cộ tưởng hươu nai."

"Ông lạ trong sinh hoạt đời thường, lạ trong thi ca, tư tưởng. Ông rất đỗi cô đơn, tự đọa đầy, vầy cuộc chơi múa hát chỗ vô thanh, đùa giỡn quỷ thần, tương đắc kẻ ở mộ, nhớ những người sẽ tới. Ông trào lộng tuyệt cùng giữa bi đát. Nói chung, cuộc sống của ông khá bí ẩn và kỳ dị."

Như thế, có vẻ như người ta không tiếc lời ca ngợi Bùi Giáng.

Nhưng cũng không thiếu những người nghĩ khác.

Chẳng hạn như Thụy Khuê.

Thụy Khuê viết:

“Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng đã để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những dạ thưa, tồn sinh, trùng lai, phố thị của Bùi Giáng,
tà huy của Nguyễn Gia Thiều, mù sa, trăm năm của Nguyễn Du ban đầu làm xao xuyến người đọc... Nhưng vì lập lại nhiều lần, chúng bị phá giá.”

Còn Trần Hữu Thục trong một bài nhận định của mình đã viết rằng:

“Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay, chưa hẳn là rất hay, còn lại hầu hết thơ ông đều dở. Tôi có cảm tưởng rất nhiều câu thơ của ông làm chẳng khác gì những câu thơ ngây ngô của mình khi mới bắt đầu tập tễnh làm thơ hồi còn học trò.”

Xin trích dẫn mấy câu lục bát của Bùi Giáng:

Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi


Có những câu ta thật sự không hiểu ông định nói gì:

một hôm gầu guộc gầm ghì
hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm


Xen vào đấy là những câu có thể làm chúng ta sởn người khi đọc:

Đất hoa khóc vĩnh biệt trời
Ngàn cây cố quận đổi lời sương thâu


Hoặc chỉ một câu thôi đủ làm chúng ta ngẩn ngơ:

Còn hai con mắt khóc người một con


Bùi Giáng điên thật chăng?

Người ta kể lại rằng, một cán bộ cao cấp của Hà Nội khi gặp Bùi Giáng đã nói, họ đánh giá cao những tác phẩm của ông, nhưng muốn rằng Bùi Giáng phải thay đổi cách suy nghĩ, phải tỏ ra tiến bộ mới có thể làm việc trở lại được, hiểu theo nghĩa mới được “phép” viết lách trở lại. Bùi Giáng đã đứng dậy chỉ vào mặt người này, hỏi lại:

- Thế nào là tiến bộ? Trời đất có bắt núi non tiến bộ không? Nếu núi non tiến bộ mãi mày đi đâu mà ở?

Đó có phải lời nói của một người điên chăng?

Đây là một giai thoại bịa đặt hay có thật?

Trở lại với thơ Bùi Giáng.

Hình như ông không làm thơ theo quan niệm, theo cái cách người ta thường nghĩ.

Ông rũ bỏ thơ ra khỏi mình như những bụi bậm, như một oan nghiệp.

Mai Thảo mất trước Bùi Giáng.

Trước khi chết Mai Thảo có để lại bốn câu thơ:

Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa, đêm làm thơ
Ngày ca múa, khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi


Hai người có gặp lại nhau chăng?

Nếu có, họ sẽ nói gì với nhau nhỉ?

Thanh Tâm Tuyền gọi Bùi Giáng là “một thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca hiện đại”.

Nguyễn Hưng Quốc coi “thơ Bùi Giáng là những phún xuất thạch phun lên từ hỏa diệm sơn của hồn ông”.

Nguyễn Hoàng Văn cho rằng “thơ ông [Bùi Giáng] là khối trầm hương chữ nghĩa”.

Còn Bùi Giáng tự nói về mình thế này:

Miệng anh còn đủ lưỡi môi
Mà răng rụng hết lấy gì nhe ra
Mím môi ôm mặt khóc òa
Hôn em một chút cho đỡ già nua thôi.


Tóm lại khó có một bức chân dung Bùi Giáng. Chỉ có một hình ảnh từa tựa. Ông là một bài thơ lạc vận và đôi khi thừa chữ.

* Blog của Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG