Tháng 4 năm 2013, tòa nhà Rana Plaza tại thủ đô của Bangladesh sụp đổ, làm 1.100 công nhân may mặc thiệt mạng và hơn 2.500 người khác bị thương. Giữa lúc những người sống sót vất vả đối mặt với những khó khăn sau tai họa, trong tuần qua quỹ bồi thường cho các nạn nhân rốt cuộc đã đạt mục tiêu là có được 30 triệu đô la.
Cô Rehana Akter đang làm việc tại tầng 7 của Rana Plaza thì có một cảm giác lạ “như là ở trong thang máy”. Một tiếng ầm ầm lớn phát ra. Bóng tối bao phủ xưởng may nơi công nhân 24 tuổi này làm việc.
Mọi người bắt đầu chạy và kêu la. Cô Re-hana té xuống, chân cô bị một cột bê tông đè lên. Gần 12 tiếng đồng hồ sau đó, cô được cứu ra khỏi đống đổ nát. Chân của cô Ranaha bị gãy nát và 6 ngày sau đó cô bị cưa chân.
Việc tòa nhà Rana Plaza 8 tầng bị sụp đổ là một tai họa xưởng may tệ hại nhất trên thế giới. Một lời hứa của một nhà hảo tâm vô danh được loan báo tuần trước đã hoàn tất Quỹ Hiến tặng Rana Plaza trị giá 30 triệu đô la. Quỹ tình nguyện này gồm có số tiền trao tặng của các công ty may mặc quốc tế, chính phủ Bangladesh và các nơi khác nữa.
Đạt mục tiêu
Quỹ được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thành lập vào năm ngoái để bồi thường cho các người sống sót và gia đình các nạn nhân.
Uỷ ban bồi thường công bố những con số cập nhật vào tháng Tư nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày Rana Plaza sụp đổ. Vào thời điểm đó, quỹ bồi thường có được hơn 27 triệu đô la và 70% tiền bồi thường đã được trả cho 2.800 người.
Hiện nay với tin về việc quỹ bồi thường được hoàn tất, tất cả các chi trả có thể được thực hiện. Số tiền bồi thường tối thiểu vào khoảng 625 đô la (50.000 taka) và 9 tháng lương cho những người không bị thương.
Theo ông Mojtaba Kazazi, ủy viên chấp hành của cơ quan quản lý việc bồi thường Rana Plaza, một số người nhận được hơn 31.000 đô la (2,5 triệu taka) tùy theo tình trạng của họ.
Tuy nhiên theo Chiến dịch Áo quần Sạch (Clean Clothes Campaign), một tổ chức bênh vực công nhân may mặc, thì chỉ có một nửa các công ty may mặc có liên hệ đến Rana Plaza đóng góp vào quỹ, gồm có Mango, Primark, Walmart, C&A và Inditex, chủ nhân của Zara. Vào tháng 4 năm nay, Tập đoàn Benetton loan báo đóng góp 1,1 triệu đô la sau nhiều tháng vận động để thúc đẩy các công ty trả 5 triệu đô la.
Tổ chức Clean Clothes Campaign tuần trước nói: “Đây là một thắng lợi to lớn nhưng mất thời gian khá lâu mới thực hiện được. Những công ty may mặc với lợi tức hàng năm gộp lại lên đến hơn 20 tỉ đô la, phải mất hai năm và những áp lực mạnh mẽ của công luận mới có được quỹ bồi thường 30 triệu đô la là một bản cáo trạng về bản chất tình nguyện của trách nhiệm xã hội”.
Vất vả kiếm sống
Hơn hai năm sau tai họa, nhiều người sống sót vẫn còn vất vả kiếm sống. Tiền không thôi thường không đủ. Chẳng hạn như, một số nữ công nhân may mặc nói chồng họ đã bỏ họ để đi theo những phụ nữ khác sau khi lấy tiền bồi thường. Nhiều người khác vẫn còn bị chấn thương về tâm thần hay chịu đựng những đau đớn về thể chất làm cho họ khó làm việc.
Cô Rehana được Trung tâm phục hồi người tê liệt, một bệnh viện tại Dhaka gần Rana Plaza, chữa trị. Năm ngoái, cô bắt đầu đi bằng chân giả chế tạo tại trung tâm. Trung tâm cũng cho cô một con bò cái và huấn luyện cho cô để có thể kiếm tiền được.
Chân cụt của cô còn đau vì chân giả và cô phải chống gậy để đi. Cô gặp khó khăn trong việc bơm nước và mang các đồ vật.
Cô Rehana nói cô gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng để làm một việc gì đó. Cô nói: “Đời là thế, bạn cần phải tiến tới trước”.
Một số người sống sót cần được giúp đỡ nhất nhận được thêm sự giúp đỡ của các tổ chức như Trung tâm Phục hồi Người tê liệt, tổ chức bất vụ lợi ActionAid, công ty cứu trợ Đức GiZ, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức bất vụ lợi địa phương. Những tổ chức này giúp những người sống sót trong việc huấn luyện để tìm việc làm mới và trợ cấp một số tiền sơ khởi để buôn bán nhỏ.
Ông Liton Mia, 35 tuổi, là một đốc công tại tầng 4 Rana Plaza. Sau khi tòa nhà sụp đổ, ông bị kẹt giữa những tấm bê tông trong 14 tiếng đồng hồ cho đến khi ông được một sinh viên cứu. Chân của ông bị gãy và ông không thể đi làm trong 7 tháng. Ông nói ông “cảm thấy hết sức căng thẳng” khi nghĩ về việc làm thế nào để nuôi gia đình.
Ông Mia nhận được khoảng 1.200 đô la (95.000 taka) tiền bồi thường và được huấn luyện nghề nghiệp do GIZ tài trợ. Với một số vốn ban đầu, ông bắt đầu mở một dịch vụ cho thuê thiết bị ánh sáng và âm thanh cho các buổi tiệc.
Khởi nghiệp mới
Ông Mia ngồi trong cửa hàng nhỏ vây quanh bởi những cuộn dây lớn và ánh sáng nhiều màu sắc. Ông thuê hai công nhân để treo những dây đèn chiếu sáng các căn nhà trong các tiệc cưới. Ông Mia kiếm được từ 260 đô la đến 650 đô la (20.000 đến 50.000 taka) mỗi tháng so với 140 đô la (11.000 taka) tiền lương của ông tại xưởng may.
Ông Mia nói ông thường hồi tưởng lại thời gian bị chấn thương khi tòa nhà sụp đổ. Tuy nhiên sau khi đi vào việc kinh doanh, ông luôn luôn bận rộn và không có thời gian để nghĩ đến những gì đã xảy ra.
Trong một con đường yên tĩnh cách Rana Plaza một vài dặm, ông Shahjahan Selim trông coi một tiệm tạp hóa nhỏ. Ông ngồi trên một chiếc ghế thấp khi khách hàng hỏi mua bột giặt, nước ngọt và thuốc lá. Người đàn ông 37 tuổi này không sử dụng tay một cách thành thạo được, nên đôi khi khách hàng phải tự đếm tiền thối lại từ một hộp nhựa để trên quầy hàng.
Ông Selim là một đốc công tại lầu 5 của Rana Plaza. Ông không bị thương khi tòa nhà sụp đổ nhưng ông trở lại đống đổ nát khi ông nghe tiếng kêu cứu. Trong vòng 4 ngày, ông Selim cứu được 37 người và thu hồi được 28 tử thi.
Vào ngày thứ tư, ông cứu một người đàn ông bằng cách cưa một cánh tay bị kẹt dưới một đà bê tông. Nhưng sau đó ông bị trượt chân rơi xuống 4 tầng lầu và bị thương nặng nơi cột sống. Ông vào bệnh viện và sau đó được chữa trị một năm tại Trung tâm Phục hồi người Tê liệt.
Hiện nay ông Selim đi đứng khó khăn bằng gậy. Được huấn luyện và với tiền trợ cấp của ActionAid và Tổ chức Lao động Quốc tế, ông Selim mở một cửa hàng nhỏ và làm việc 7 ngày một tuần. Mỗi ngày có khoảng 200 khách hàng đến tiệm ông.
Ông Selim nói cửa hàng giúp ông “tiến tới”. Dù là một người tàn tật hoàn toàn, ông nói ông không hối tiếc về việc đã trở lại đống đổ nát của Rana Plaza. Tuy nhiên ông nói tai họa này lẽ ra không nên xảy ra.
“Chính phủ không nên cho phép xây dựng tòa nhà như vậy. Chúng ta thiệt mất nhiều người. Tôi muốn thấy một công nghiệp may mặc mà các công nhân được an toàn”.
Những biện pháp an toàn sâu rộng đang được áp dụng tại Bangladesh. Trong khi đó, những người sống sót Rana Plaza tiếp tục vật lộn với cuộc sống.