Bạn bè và những người ủng hộ 3 blogger, thẳng thắn bày tỏ ý kiến và đã bị sát hại vào giữa tháng 2 và tháng 5 ở Bangladesh, cho biết họ không hài lòng với nhịp độ điều tra của cảnh sát trong những vụ án này.
Các nhóm hoạt động cho nhân quyền nói rằng những vụ tấn công chí tử nhắm vào các blogger và những người có tư tưởng độc lập ở Bangladesh sẽ không ngừng cho đến khi nào chính phủ chuyển đi một tín hiệu rõ ràng đến các thủ phạm rằng họ sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. Ông Imran H. Sarker, người đứng đầu nhóm mạng lưới các nhà hoạt động mạng và blogger ở Bangladesh nói:
“Chính phủ đang che đậy các vụ sát hại blogger, thay vì đưa những kẻ sát nhân ra trước công lý. Việc giới hữu trách không hành động đang mở đường cho các vụ tấn công thêm nữa.”
Hồi đầu tháng này, một nhóm người bịt mặt, cầm dao phay và mã tấu, chém chết blogger Ananta Bijoy Das, một người theo thuyết vô thần, trong thành phố Sylhet, ở vùng đông bắc Bangladesh. Không một kẻ nào trong nhóm bị bắt hay bị nhận diện.
Tháng 3 năm nay, ông Washiqur Rahman, một blogger vô thần khác nổi tiếng với những quan điểm phê phán Hồi giáo, đã bị 3 phần tử Hồi giáo giết chết trong thủ đô Dhaka. Hai kẻ giết ông Rahman bị người qua đường bắt trước khi chúng chạy thoát.
Hồi tháng 2, ông Avijit Roy một blogger và là nhà văn người Mỹ gốc Bangladesh, sáng lập viên trang blog Mukto-Mona, một trang blog theo chủ thuyết vô thần rất được ưa thích; và ông nổi tiếng về những bài viết phản đối tôn giáo cực đoan, đã bị giết khi ông và vợ bị tấn công bằng mã tấu trong thủ đô Dhaka.
Ba tháng sau vụ blogger Roy bị giết, cảnh sát vẫn chưa tìm được dấu vết những kẻ tấn công. Thân phụ ông, ông Ajoy Roy, một giáo sư đã nghỉ hưu, nói ông ngờ vực về việc liệu những tên sát nhân trong vụ này có sẽ bị đưa ra trước công lý. Ông nói với VOA:
“Có nhiều nhân chứng quanh đó. Những tôi không hiểu nổi vì sao đã 3 tháng rồi mà họ không bắt được ai trong những kẻ này. Quá trình điều tra vụ án này rất chậm. Tôi e là giống như nhiều vụ giết người khác ở Bangladesh, vụ sát hại Avijit sẽ vẫn cứ trong tình trạng không giải được án.”
Cảnh sát bị tố cáo không hành động
Vợ blogger Roy, bị thương trong vụ tấn công hôm 26 tháng 2, sau đó nói với các nhà báo rằng một số cảnh sát đứng gần đó, nhưng không can thiệp.
Cựu chánh thẩm Bangladesh A B M Khairul Haque nói với tác phong hành xử đó thì cảnh sát trưởng nên từ chức. Ông nói:
“Cảnh sát thậm chí còn không đưa Avijit và vợ đi bệnh viện. Cảnh sát có mặt quanh đó ngay cả còn không bị truy vấn để giải thích vì sao họ không hành động khi hai vợ chồng này bị tấn công.”
Sau vụ giết blogger Rahman, cảnh sát bắt 2 người bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công. Học sinh trường tôn giáo Hồi giáo cho biết các giáo viên dạy về tôn giáo nói với học sinh rằng ông ấy đáng bị trừng phạt vì người ta cho rằng ông ấy xúc phạm Hồi giáo.
Nhà hoạt động trên mạng Sarker nhận định rằng cuộc điều tra vụ giết blogger Rahman không có một tiến triển nào. Ông nói:
“Hai người đàn ông bị bắt nói rõ rằng họ tấn công Rahman do những người cấp cao hơn ra lệnh hay xúi giục. Chắc chắn họ đã cung cấp chi tiết cho cảnh sát về những kẻ chủ mưu và tên thứ 3 tham gia trong vụ tấn công. Nhưng 2 tháng đã qua, không ai khác bị bắt không ai ngoài 2 kẻ tấn công bị người đi đường bắt.”
Việc cảnh sát không hành động khiến nguời ta tin rằng cảnh sát đồng tình với tư tưởng của những kẻ tấn công và có thể đang bảo vệ những kẻ sát nhân hoặc không truy tìm họ một cách hiệu quả.
Giám đốc đặc trách khu vực Nam Á của tổ chức Human Rights Watch nói:
“Chính phủ Bangladesh đã bắt giữ các công nhân và các nhà lãnh đạo đối lập, đổ lỗi cho họ về các vụ tấn công bạo động nhằm tiến hành các cuộc đình công và phong tỏa. Nhưng phản ứng của họ về các vụ giết hại nhắm mục tiêu vào blogger lại lặng câm. Thật đáng tiếc. Chính phủ cần lên tiếng về quyết tâm bảo vệ tự do ngôn luận.”
Cảnh sát: Cần có thêm thời gian
Các cảnh sát cao cấp nói rằng các cuộc điều tra về vụ sát hại 3 blogger đang tiến hành.
Phát ngôn viên bộ phận cảnh sát điều tra Monirul Islam nói với VOA:
“Các đồng nghiệp của chúng tôi điều tra 3 vụ này đang tiến hành khả quan. Để bắt kẻ chủ mưu (Mufti Jasimuddin Rahmani) vụ giết blogger Ahmed Rajib Haider hồi năm 2013 chúng tôi đã mất 7 tháng.”
“Chúng tôi cần thêm thời gian để giải án các vụ sát hại blogger trong năm nay.”
Ông Islam nói thêm rằng lời cáo buộc về một bộ phận cảnh sát không quan tâm hành động chống lại các blogger là “không có cơ sở.”
Năm 2013 một số nhóm Hồi giáo ở Bangladesh công bố danh sách 84 blogger theo thuyết vô thần. Trong 2 năm qua đã có 9 người trong danh sách này, trong đó có Avijit Roy, Rahman, và Das, bị giết.
“Những người khác trong danh sách đó đang nhận được những lời đe doạ tính mạng thường xuyên, ngay cả lúc này đây khi chúng ta đang thảo luận vấn đề này. Một số lời đe doạ phát xuất từ những nguồn không thể dò ra được dấu vết kể cả số điện thoại. Như vậy Chính phủ đã làm những gì để tìm ra những kẻ lưu hành danh sách đó, hay những kẻ thực hiện các vụ tấn công, hay những kẻ đưa ra lời đe doạ?” Ông Abbas Faiz, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế đặt câu hỏi.
Ông Faiz nói rằng việc thiếu những vụ truy tố là chứng cớ đủ để cho thấy rằng chính phủ thất bại trong việc bảo vệ công dân của mình chống lại các vụ tấn công như vậy.