Bắc Triều Tiên cấm công nhân miền Nam vào Kaesong

Tài xế xe tải Hàn Quốc quay trở lại xe sau khi bị từ chối nhập cảnh vào khu công nghiệp Kaesong, ngày 3/4/2013.

Bắc Triều Tiên hôm thứ Tư đã đình chỉ, không cho phép công nhân Nam Triều Tiên vào một khu công nghiệp chung ở phía bắc đường biên giới phân chia hai miền. Đây là dấu hiệu mới nhất của tình hình căng thẳng đang nhanh chóng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, gây rủi ro cho những dấu hiệu còn sót lại của sự hợp tác giữa hai miền đang trong tình trạng đối đầu. Thông tín viên Steve Herman của VOA gửi về thêm chi tiết từ Seoul.

Hàng trăm quản trị viên Nam Triều Tiên thường xuyên qua lại biên giới hai miền để tới khu công nghiệp chung, nằm về hướng Bắc, ngay bên kia đường biên giới kiên cố phân chia hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên những người đã cố gắng đáp những chuyến xe buổi sáng để vào khu phức hợp công nghiệp Kaesong hôm thứ Tư đã phải chứng kiến cảnh họ bị người Bắc Triều Tiên bác giấy phép nhập cảnh.

Từ Seoul, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Kim Hyun-suk bày tỏ sự hối tiếc sâu xa về hành động của Bắc Triều Tiên. Ông nói ngăn chặn sự lui tới của người miền Nam sẽ có hậu quả, nếu đồ tiếp tế và lương thực không được bổ sung.

Ông Kim nói sự gián đoạn này đặt ra một "trở ngại nghiêm trọng cho các hoạt động cần thiết" của khu phức hợp.

Trong số khoảng 800 người Nam Triều Tiên đã ở lại qua đêm trong khu công nghiệp, khoảng 50 dự kiến sẽ rời khỏi nơi này trong ngày hôm nay, trong khi những người còn lại chọn ở tại chỗ, ngay trong lúc này.

Hiện có lo ngại rằng nếu chiến tranh bùng nổ giữa hai nước, thì bất kỳ người Nam Triều Tiên nào lưu lại ở Kaesong có thể trở thành con tin.

http://www.youtube.com/embed/h5Hyfbpzuzk

Ngỏ lời với các thành viên đảng cầm quyền tại Quốc hội hôm thứ tư, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng một "kế hoạch dự phòng, bao gồm cả hành động quân sự," nên được phát triển, trong trường hợp một tình huống nghiêm trọng như thế diễn ra.

Mặc dù có khoảng 125 công ty Nam Triều Tiên đặt nhà máy ở khu công nghiệp này, dự án có một không hai đã sản xuất hàng gia dụng từ năm 2004 tới nay, có giá trị kinh tế lớn hơn đối với miền Bắc.

Xe tải của Hàn Quốc quay trở lại sau khi bị từ chối nhập cảnh vào thành phố Kaesong của Bắc Triều Tiên, ngày 3/4/2013.

50,000 công nhân nhà máy làm việc tại đó là người Bắc Triều Tiên, và khu phức hợp này mang lại hai tỷ đôla ngoại tệ mạnh mỗi năm, tối cần thiết cho quốc gia nghèo đói và bị cô lập này.

Động thái leo thang của Bắc Triều Tiên, ít nhất trong tạm thời, ngăn cản người miền Nam ra vào khu công nghiệp Kaesong, được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ khởi động lại hoạt động tại lò phản ứng Yongbyon để chế tạo thêm vũ khí hạt nhân.

Bắc Triều Tiên đang phải đương đầu với các biện pháp cấm vận đã được quốc tế ban hành để trừng phạt việc miền Bắc phát triển hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Trong những tuần gần đây, Bắc Triều Tiên đã tung ra một loạt các tuyên bố hiếu chiến. Miền Bắc loan báo quyết định từ bỏ hiệp ước đình chiến năm 1953, tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, đồng thời tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc.

Nói chuyện với chương trình tin tức của Đài truyền hình ABC của Mỹ tại Khu vực An ninh Chung bên trong khu phi quân sự, Đại Tướng James Thurman, người chỉ huy lực lượng gồm 28.000 binh sĩ Mỹ ở Nam Triều Tiên, nhận định rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay căng thẳng hơn bất kỳ thời điểm nào khác, kể từ khi ông đảm nhận chức Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Nam Triều Tiên vào giữa năm 2011.

Tướng Thurman nói: “Tình hình hiện nay đang rất bấp bênh và nguy hiểm. ”

Trả lời câu hỏi của phóng viên đài ABC, hỏi rằng lo sợ lớn nhất của ông là gì, với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un?

Tướng James trả lời: “Một tính toán sai lầm. Và một quyết định bốc đồng có thể gây ra một hành động khiêu khích tự động.”

Vị tướng Mỹ này còn chỉ huy lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ cầm đầu, và sẽ là người chịu trách nhiệm lãnh đạo các lực lượng chính phủ Nam Triều Tiên dưới một Bộ Chỉ Huy thống nhất, nếu chiến tranh toàn diện khởi sự.

Trong những năm đầu của thập niên 50, 2 miền bán đảo Triều Tiên đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm đã tàn phá bán đảo này. Các hành động thù nghịch công khai đã chấm dứt với một lệnh đình chiến được ký kết bởi Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo, đại diện cho 16 quốc gia. Nam Triều Tiên không phải là một bên ký kết lệnh đình chiến.

http://www.voanews.com/flashembed.aspx?t=phg&id=1632355&w=640&h=506&skin=embeded