Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Quan hệ kinh tế được củng cố bởi công nghiệp tài nguyên, trong đó lượng xuất khẩu quặng sắt của Australia trị giá hơn 34 tỷ đôla. Các thương vụ sinh lợi dồi dào về hàng hóa đã giúp Australia tránh được các tác động xấu nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng một số học giả lo ngại rằng đất nước đang lệ thuộc quá nhiều vào việc bán khoáng sản cho Trung Quốc. Có nhiều người quan ngại rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc lung lay hay co cụm, thì tác động kinh tế cũng có thể gây thiệt hại ở Australia.
Ông Graeme Smith thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Kỹ thuật ở Sydney tin rằng các doanh nghiệp Uùc phải ngày càng tận dụng các thị trường khác ở Trung Quốc, tỷ như khu vực dịch vụ tài chính.
Ông Smith cũng nói rằng để mở rộng các cơ hội đó, cần phải khuyến khích thêm những người Úc trẻ tuổi học ngôn ngữ chính của Trung Quốc là tiếng Phổ thông.
Ông Smith nói: “Điều đó cực kỳ cấp thiết và nói cho công bằng thì Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào việc học tiếng Anh, nhưng về phía chúng ta nếu muốn hiểu thấu và thực sự nhìn thấy những cơ hội hiện hữu ở Trung Quốc, cho dù là về mặt kinh doanh, hoặc đáng chú ý hơn là về mặt văn hóa. Không có ngôn ngữ, thì ta thực sự trở thành lạc lõng.”
Việc Australia lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế và liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ đã đặt một gánh nặng ngoại giao lớn hơn vào chính phủ ở Canberra. Chính phủ phải đạt được thế cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington để tìm cách giải quyết nhu cầu song hành về thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia.
Giáo sư Alan Dupont, giám đốc Trung tâm Khảo cứu An ninh Quốc tế tại trường Đại học Sydney, cho rằng trước đây Hoa Kỳ vẫn từng là đồng minh quan trọng nhất của Australia, nhưng tình hình nay đã thay đổi.
Giáo sư Dupont nói: “Nay sự chọn lựa đã trở nên khó khăn hơn bởi vì Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta trong khi Hoa Kỳ vẫn còn là một đồng minh mạnh nhất của chúng ta, vì thế vần đề đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng của chúng ta hiện nay là điều gì sẽ xảy ra nếu có một sự xung đột giữa hai siêu cường này. Australia sẽ ở vị thế nào? Chúng ta sẽ thực hiện những chọn lựa ra sao để không bị tác động tai hại? Chúng ta sẽ phải đối đầu với những gì mà các nước láng giềng Á Châu của chúng ta đã đối đầu có lẽ từ 2.000 năm, nghĩa là đối phó ra sao với một nước Trung Quốc hùng mạnh?”
Bang giao của Australia với Trung Quốc đã từng có những vấn đề. Vụ một nhà quản trị mỏ của Úc bị bỏ tù ở Thượng Hải hồi năm ngoái vì bị cáo buộc tham những đã gây ra những căng thẳng ngoại giao. Quyết định trước đó của Canberra cấp thị thực cho nhà lãnh đạo người Uighur, bà Rebiya Kadeer, cũng gây phẫn nộ cho phía Trung Quốc, vốn coi nhà lãnh đạo sống lưu vong này như một phần tử cực đoan.
Trong khi các giới chức Australia vẫn còn nêu ra những quan ngại về việc đối xử với các sắc dân thiểu số và nhân quyền, các quan hệ của Canberra với Bắc Kinh đã trở nên ngày càng vững mạnh. Các cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy đa số người dân Úc tin rằng Trung Quốc đang đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế của Australia.
Giới trẻ Úc đang được hối thúc học tiếng Hoa như một cách để nuôi dưỡng và hỗ trợ cho các quan hệ kinh tế và văn hóa dài hạn với Trung Quốc. Một nhà khảo cứu hàng đầu của Australia tin rằng nền kinh tế của Australia, vốn lệ thuộc vào việc xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi ích nếu giới trẻ hiểu biết rõ hơn về tâm lý Trung Hoa và có khả năng khắc phục các rào cản ngôn ngữ hiện đang gây trở ngại cho công cuộc kinh doanh. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.