Bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế đi vào chi tiết cách thức chính phủ Trung Quốc thao túng các luật lệ nhà nước để tăng cường cuộc đàn áp nhắm vào các luật gia theo đuổi những vụ án về nhân quyền.
Hội Ân xá Quốc tế nói việc bịt miệng đã diễn ra trong 2 năm nhưng cuộc trấn áp đã tăng cường độ trong những tháng gần đây vì những vụ nổi dậy ở các nước Ả Rập đã gây lo ngại cho các giới chức ở Bắc Kinh. Vụ trấn áp cũng nhắm vào những người chỉ trích chính phủ, các nhà hoạt động chính trị qua Internet và những người lên tiếng chống đối chế độ độc đảng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bác bỏ những lời khẳng định vừa nêu và lên án Hội Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London là mang nặng thành kiến.
Ông Hồng nói Trung Quốc là một quốc gia theo đúng pháp trị và các luật sư Trung Quốc làm việc trong khuôn khổ các luật lệ do hiến pháp và luật pháp Trung Quốc quy định. Ông bác bỏ việc nhà chức trách đã tiến hành những vụ bắt giữ hay bỏ tù các luật sư nhân quyền.
Ông Hồng từ chối không bình luận thêm bởi vì ông nói Hội Ân xá Quốc tế luôn luôn có thành kiến chống đối Trung Quốc.
Bản phúc trình có tên là “Chống lại Luật pháp: Vụ đàn áp các Luật sư Nhân quyền trầm trọng thêm” nói rằng hàng chục luật sư đã bị đặt dưới sự hăm dọa.
Các nhà khảo cứu của Hội Ân xá Quốc tế đã dành 18 tháng để thu thập bằng chứng vụ đàn áp nói rằng các giới chức đã hăm dọa các luật sư sẽ bị treo bằng hoặc bị truy tố hình sự. Các nhà khảo cứu nói nếu các chiến thuật hăm dọa này không bịt miệng được các luật sư thì họ có thể bị giam giữ hoặc sẽ mất tích.
Giám đốc Ân xá Quốc tế vùng châu Á Thái bình dương, bà Catherine Baber nói rằng việc Trung Quốc không chịu nhận là đã đàn áp và lạm dụng luật pháp là sai trái.
Bà Baber nói: “Trong khi lập luận về việc hướng tới pháp trị ở Trung Quốc được các giới chức Trung Quốc lập đi lập lại, thì trên thực tế, khi các luật sư có ý định dùng hệ thống pháp lý để bảo vệ các quyền cơ bản của người dân thường, thì họ vấp phải nhiều trở ngại và bị xách nhiễu hay hành hạ.”
Hội Ân xá Quốc tế nói mỗi năm, những người chuyên môn trong ngành luật của Trung Quốc phải trải qua một cuộc thi chính thức mà nhiều người cho là không có cơ sở luật định của Trung Quốc. Bà Baber nói các luật sư nhận bênh vực cho các vụ án nhậy cảm về chính trị thường không qua được kỳ thi đó và bị mất bằng.
Bà Baber nói tiếp: “Chúng tôi đã lập hồ sơ các chiến thuật sử dụng chống lại các luật sư có đủ can trường để nhận các vụ này, từ việc treo bằng cho đến việc cấm hành nghề, và nhất là kể từ hồi tháng 2, đã có sự gia tăng trong những vụ bắt giữ, mất tích và trong vài trường hợp, tra tấn.”
Bản phúc trình nêu bật vấn nạn của nhiều luật sư nhân quyền, trong đó có ông Cao Trí Thịnh, người đã mất tích trên một năm nay.
Nhưng khi được hỏi về tung tích và sức khỏe của ông Cao thì người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối không trả lới và nhắc lại rằng Trung Quốc là một quốc gia pháp trị.
Ân xá Quốc tế: TQ bịt miệng các luật sư tranh đấu cho nhân quyền
- Peter Simpson
Trung Quốc phủ nhận việc nhà chức trách thao túng các luật lệ trong nước để bịt miệng các luật sư tranh đấu cho nhân quyền. Lời phủ nhận được đưa ra sau một bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế nói rằng chính phủ Trung Quốc đã phát động một loạt các biện pháp cứng nhắc để kiềm chế ngành luật và trấn áp các luật sư theo đuổi các vụ về nhân quyền. Thông tín viên VOA Peter Simpson tại Bắc Kinh ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Đọc nhiều nhất
1