Hôm nay, Bộ Ngoại giao Campuchia cho hay sẽ ký một thoả thuận gây nhiều tranh cãi về việc tái định cư người tỵ nạn với Australia vào cuối tuần này. Theo thoả thuận đã bao trùm trong vòng bí mật kể từ khi khái niệm được tiết lộ lần đầu tiên hồi tháng 2, một số không rõ bao nhiêu người tỵ nạn sẽ bị gửi đi từ một trong những cơ sở tạm giam ngoài khơi Australia. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật sau đây.
Trong một thông cáo báo chí ngắn gọn, chính phủ Campuchia cho hay Bộ trưởng Di trú của Australia, ông Scott Morrison sẽ ký biên bản ghi nhớ vào ngày thứ sáu trong một chuyến thăm Phnom Penh.
Thoả thuận gây tranh cãi này có thể khiến tới 1.000 người tỵ nạn hiện đang bị tạm giữ trên hòn đảo Nauru ở Thái Bình Dương cuối cùng bị gửi đi Campuchia. Phnom Penh từng cho hay sẽ chỉ nhận người tỵ nạn từ Nauru nếu họ tự nguyện đến đây.
Một người phát ngôn cho văn phòng ông Morrison xác nhận ông sẽ đi thăm Campuchia trong tuần này, và ông sẽ ký “một thoả thuận” với chính phủ Campuchia.
Thoả thuận tái định cư được đề nghị, được thảo luận từ nhiều tháng nay đã khơi ra sự chỉ trích từ phía các nhân viên về nhân quyền, các chính trị gia đối lập và Văn phòng Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kể từ khi nguồn tin được tiết lộ hồi tháng 2 nói rằng Australia đã yêu cầu Campuchia nhận người tỵ nạn.
Là một nước vừa thoát ra một cuộc xung đột với các dịch vụ xã hội yếu kém, Campuchia có thành tích tệ hại về nhân quyền, và một số đã nêu thắc mắc vì sao một trong những nước giàu nhất thế giới lại tìm cách gửi người tỵ nạn đến một trong những nước nghèo nhất.
Dì phước Denise Coghlan đứng đầu Dịch vụ Tỵ nạn Dòng Tên, đã làm việc về các vấn đề của người tỵ nạn ở Campuchia từ năm 1990. Bà nói Australia sẽ từ bỏ trách nhiệm đạo đức qua việc gửi người tỵ nạn đến Campuchia.
“Sự kiện Campuchia sẵn sàng đón nhận người tỵ nạn là tốt – ý tôi nói đó là một điều tốt. Nhưng tôi nghĩ rằng khả năng của họ nhận những người đã bị chấn động nghiêm trọng cả vì tình hình trong nước họ lẫn vì sự đối xử của chính phủ Úc – trước tiên ở những nơi như Đảo Christmas, và sau đó là Nauru – những người này hiện đã rơi vào một tình trạng chấn động và rất yếu kém về mặt tâm lý. Tôi cho rằng khả năng của các cơ sở sức khoẻ tâm thần của Campuchia để ứng phó với tình hình loại này khá yếu kém.”
Còn có những mối quan ngại dài hạn khác về cách thức người tỵ nạn ứng phó với việc sinh sống trong một nước mà chính một số lớn người Campuchia cũng bị thất tán, trong đó có hàng ngàn dân làng đã bị tống xuất ra khỏi đất của mình. Thêm nữa, người tỵ nạn còn vấp phải những hàng rào ngôn ngữ rõ ràng.
Vẫn còn chưa rõ về chi tiết cụ thể của thoả thuận, kể cả khi nào những người tỵ nạn đầu tiên sẽ đến nơi và họ sẽ sống ở đâu.
“Vấn đề khác nữa là các triển vọng công ăn việc làm cho mọi người. Triển vọng công việc cho trẻ sau giờ học, triển vọng công việc cho những người trẻ, vốn đã ít oi ở đây, nay lại cộng thêm một nhóm người bắt đầu đi tìm việc – đó là một gánh nặng khác cho nền kinh tế Campuchia và chính phủ Campuchia.”
Dì phước Denise nói người tỵ nạn phải được cấp chỗ ở trong cộng đồng, chứ không phải trong những cơ sở tập trung, và phải được quyền tự do đi lại theo ý muốn.
Chính phủ bảo thủ ở Australia, một trong những nước cấp viện chính cho Campuchia, lên nắm quyền cách đây 1 năm với lời hứa sẽ cứng rắn đối với những người xin tỵ nạn. Các giới chức Úc nói nhiều người xin tỵ nạn thực ra chỉ là di dân kinh tế.