Trà Mi: Trong buổi trao đổi tuần trước, chúng ta đã cùng nhau điểm qua những sự kiện được giới trẻ quan tâm trong năm 2011. Nhưng trong các bạn không thấy ai nhắc tới một cuộc khủng hoảng thiên tai rất lớn, ngoài các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội xảy ra năm qua ngay bên nước láng giềng ở Châu Á.
Hoàng: Thiên tai Nhật Bản.
Trà Mi: Vâng, vì sao khủng hoảng thiên tai, đối với các bạn, không nằm trong sự quan tâm quan trọng so với khủng hoảng chính trị, kinh tế, hay xã hội?
Quốc Anh: Thật ra vấn đề thiên tai đó, mọi người cũng rất quan tâm, nhưng có lẽ không bằng các cuộc đấu tranh cho tự do-dân chủ vì dù sao khủng hoảng thiên tai cũng chỉ là một vấn đề khách quan. Còn các cuộc đấu tranh là vấn đề chủ quan đáng được chú ý hơn.
Trà Mi: Sau khi điểm lại các sự kiện đáng quan tâm và lý do khiến các bạn chú ý, bây giờ mình phải bầu chọn lại vì các bạn liệt kê rất nhiều sự kiện. Nếu chỉ giới hạn 3 sự kiện đáng chú ý nhất, quan trọng nhất, nổi bật nhất trong năm qua, sự lựa chọn của các bạn sẽ như thế nào? Nhân vật của năm, sự kiện của năm, và chuyện hàng đầu của năm?
Quốc Anh: Mình vẫn thích sự bầu chọn của tạp chí Time, chọn nhân vật của năm là người biểu tình. Sự kiện đáng quan tâm trong năm là Mùa Xuân Ả Rập.
Trà Mi: Còn riêng về tình hình ở Việt Nam, sự bình chọn của các bạn ra sao?
Hoàng: Mình đồng ý chọn người biểu tình là nhân vật trong năm, còn sự kiện trong năm là ‘Mùa hè xuống đường’.
Tuấn: Nếu bầu chọn cho tập thể, em sẽ bình chọn cho những người xuống đường biểu tình. Còn bầu chọn cho cá nhân, em sẽ chọn 2 nhà khoa học Việt Nam được tôn vinh trên thế giới là giáo sư toán học Ngô Bảo Châu và giáo sư toán học Hoàng Tụy.
Hoàng: Nếu bầu chọn cho cá nhân, mình sẽ bình chọn chị Bùi Hằng.
Trà Mi: Chị là nhân vật được nhiều người biết đến qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Quốc Anh: Nếu bầu chọn nhân vật trong năm tại Việt Nam, mình chọn tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một nhà tranh đấu rất đáng chú ý, có tiếng nói rất có trọng lượng.
Trà Mi: Tóm lại, các bạn chọn nhân vật trong năm là người biểu tình, sự kiện trong năm là những cuộc biểu tình. Còn về câu chuyện hàng đầu của năm?
Quốc Anh: Đó là vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam, rất đáng quan tâm, trước hành động xâm lấn rất mạnh từ Trung Quốc. Về phía Việt Nam, rất yếu thế, không có động thái gì quyết liệt và mạnh mẽ để chống lại họ cả. Bên cạnh đó lại xuất hiện sự kiện Việt Nam dùng cờ 6 ngôi sao đón Phó Chủ tịch Trung Quốc sang thăm. Mình không hiểu nổi vì sao lại xảy ra như vậy.
Trà Mi: Bạn vừa nêu thêm một sự kiện đáng quan tâm nữa cũng liên quan đến mối quan hệ Việt-Trung trong năm qua. Đặt tên cho năm để nói lên sự nổi bật nhất của năm 2011 tại Việt Nam, các bạn sẽ chọn tên nào?
Phan: ‘Năm của người yêu nước.’
Tuấn: ‘Năm của những chủ nhật xuống đường màu đỏ và những cú đạp vào mặt nhân dân.’
Trà Mi: Một cái tên rất dài, bao hàm nhiều ý nghĩa. Cảm ơn Tuấn.
Hoàng: ‘Năm của việc thể hiện tiếng nói và bênh vực sự thật.’ Nghĩa là trong năm nay, ngoài những cuộc biểu tình của những người xuống đường, còn có rất nhiều tiếng nói khác, tuy họ không xuống đường được, nhưng họ viết blog, họ lên mạng. Họ đấu tranh cho quyền lợi công nhân, nhân quyền của nhân dân, chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bảo vệ quyền lợi vì lợi ích môi trường và quốc gia. Tất cả, dù ở nhiều vai trò khác nhau, nhưng họ đều góp tiếng nói thể hiện cái tinh thần đó.
Trà Mi: Theo Hoàng, năm vừa qua có thể gọi là ‘Năm của tiếng nói quần chúng’. Các bạn có đồng ý không?
Quốc Anh: Mình đồng ý nhưng xin thêm là ‘Năm của quần chúng, dù bị đàn áp’.
Trà Mi: Điểm lại sự kiện, mình cũng nên ghi nhận những dấu hiệu tích cực hay khả quan nữa. Các bạn thấy năm 2011 có những điểm nào đáng mừng, tiến bộ hơn so với năm trước đó?
Quốc Anh: Cũng thấy chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh đến chủ quyền thiêng liêng biển đảo cùng các chuyến đi Ấn Độ. Cũng thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm. Đó là những cái nhìn thẳng thắn trong vấn đề biển đảo, cũng đáng mừng, nhưng hành động sau đó thì không thấy thể hiện giống như vậy.
Trà Mi: Các bạn khác có ghi nhận được tín hiệu nào đáng mừng trong năm qua không?
Phan: Về tình hình thế giới, có sự kiện Mỹ quay lại Châu Á-Thái Bình Dương và bao vây Trung Quốc. Việc này sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Tuấn: Tín hiệu khả quan nhất năm qua là người Việt trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn đến tình trạng chủ quyền của Việt Nam, không còn vô cảm. Nhiều người đã vượt qua được nỗi sợ hãi, dám nói lên tiếng nói của mình.
Trà Mi: Điểm qua năm cũ đến hướng tới tương lai, nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua, các bạn có mơ ước gì cho đất nước mình trong năm mới sắp tới?
Hoàng: Mình mơ ước tiếng nói của người dân, nhân quyền của người dân được giới cầm quyền tôn trọng hơn. Họ đừng coi dân là ngoài cuộc. Đất nước này ‘của dân, do dân, vì dân’ và nhà nước quản lý, lãnh đạo. Vậy cả hai đều phải góp sức mình vào việc bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Nhà nước không thể bảo dân cứ lo yên ổn làm ăn đi, để chuyện ngoại giao và quốc gia đại sự cho giới lãnh đạo lo. Vì họ không tôn trọng tiếng nói của người dân, nên khi dân xuống đường biểu tình, họ cho là ảnh hưởng đến ngoại giao, gây rối trật tự. Họ dẹp, họ bắt bớ, gây phiền nhiễu, vi phạm nhân quyền trắng trợn. Mình muốn tiếng nói người dân phải được giới lãnh đạo quan tâm hơn, cùng nhau đi đến một giải pháp chung, tốt cho đất nước, vì một tương lai hạnh phúc, ấm no hơn.
Trà Mi: Hoàng mong muốn chính quyền đại diện tiếng nói của người dân, hợp với lòng dân. Các bạn khác trông đợi gì cho năm mới 2012?
Quốc Anh: Mình mong các bạn trong nước, dù bị khó khăn và đàn áp, đừng thờ ơ vô cảm trước hiện tình đất nước. Hãy quan tâm hơn đến vấn đề chính trị, xã hội để cùng nhau lên tiếng, góp sức với nhau. Tình hình trong nước như vậy, thế giới đã trải qua mấy ‘mùa xuân dân chủ’ rồi, mà dân trong nước còn rất hồn nhiên, chẳng thấy ai quan tâm lắm. Chúng ta hãy sống sao cho có ý nghĩa, có mục đích và lý tưởng. Công giáo có câu “Chúng ta phải làm gì trước cây thập tự sẽ phủ bóng lên mộ huyệt của chúng ta? Đó là câu hỏi mọi người phải tự đặt ra cho chính mình.” Nghĩa là chúng ta phải sống như thế nào.
Trà Mi: “Chúng ta phải làm gì?” Câu hỏi Quốc Anh vừa đưa ra các bạn ở đây có câu trả lời thế nào? Người trẻ phải làm gì để biến những ước mơ các bạn vừa chia sẻ sớm trở thành hiện thực, thúc đẩy những sự thay đổi tiến bộ hơn, đáng kể hơn?
Hoàng: Người trẻ cần phải mạnh mẽ hơn, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để lên tiếng bênh vực sự thật, nói lên lẽ phải. Trách nhiệm mỗi công dân là phải đấu tranh cho điều đó. Có nhiều người nhận thức được điều đó nhưng không dám vượt qua sự sợ hãi, không dám dấn thân.
Trà Mi: Tựu chung lại, các bạn nhìn thấy 2011 là năm của sự lên tiếng và các bạn mong muốn người trẻ hãy quan tâm hơn, tiếp tục lên tiếng nhiều hơn nữa đối với những gì ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân, xã hội, và đất nước.
Tuấn: Việt Nam hiện giờ đang rất khó khăn, chúng ta cần đoàn kết lại để nói lên tiếng nói của những người trẻ.
Phan: Người trẻ phải bước ra khỏi vòng bảo vệ an toàn và ý thức được rằng việc mình làm là đúng. Cho dù có phải đi tù đi chăng nữa, việc làm của chúng ta là đúng, chúng ta phải lên tiếng vì một đất nước tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Trong đó có chúng ta và gia đình của chúng ta.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện đáng chú ý với giới trẻ Việt Nam trong năm qua. Xin chúc các bạn một năm mới bình an, hạnh phúc.
Vừa rồi là ý kiến bình chọn của 4 bạn trẻ từ Sài Gòn, Nha Trang, và Daklak. Quan điểm của quý vị và các bạn nghe đài ra sao? Xin vui lòng đóng góp và trao đổi với các độc giả khác trên Tạp chí Thanh Niên trong phần Chuyên mục đặc biệt trên website của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.
Các bạn trẻ muốn tham gia thảo luận các chủ đề của Tạp chí Thanh Niên, xin email số phone về vietnamese@voanews.com hay voatiengvietvideo@gmail.com , Trà Mi rất mong được mời các bạn khắp nơi góp tiếng trong chương trình.
Đến đây Tạp chí Thanh Niên xin nói lời chia tay và hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới vào giờ này, tuần sau.