Ấn Độ là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đã tiếp tục mua bán với Iran, bất chấp những biện pháp chế tài nghiêm nhặt. Chính phủ ở New Dehli hy vọng có được những lợi ích lớn trong dài hạn khi thoả thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc thế giới được thực thi. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tại New Dehli, các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng đang chuẩn bị để đối phó với sự cạnh tranh kịch liệt hơn từ các công ty Tây phương.
Ông Pankaj Bansal của công ty xuất nhập khẩu TMA International ở New Dehli cho biết trong 3 năm qua kim ngạch xuất khẩu của công ty ông tăng gần 40%.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của công cuộc kinh doanh có thể chấm dứt. Ông Bansal đang ra sức chuẩn bị để đối phó với một môi trường khó khăn hơn, với việc nới lỏng các biện pháp chế tài Iran.
Ông Bansal nói: "Đối với một số mặt hàng, chúng tôi dự kiến là chắc chắn sẽ bị tác động. Về những sản phẩm kỹ thuật cao, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì Iran thường muốn mua hàng kỹ thuật cao từ các nước Tây phương".
Trong vài năm qua, những biện pháp chế tài nghiêm ngặt khiến Ấn Độ phải giảm bớt lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Nhưng Ấn Độ, là nước có mối quan hệ hữu nghị lâu đời với Tehran, đã mua một số lượng dầu thô trị giá gần 9 tỉ đô la, trong đó có một số trả bằng đồng rupee. Tehran dùng đồng rupee để chi trả cho những mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.
Chỉ trong vòng 3 năm, việc mua bán bằng đồng rupee đã giúp cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng gấp đôi lượng xuất khẩu sang Iran lên tới khoảng 5 tỉ đô la.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thương mại nói rằng các công ty của những nước như Đức, Pháp và những nước khác sẽ quay lại Iran khi thoả thuận hạt nhân được thực thi và họ sẽ bán tất cả mọi thứ -- từ quần áo cho tới xe cộ, và sẽ tranh giành những hợp đồng của những dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng qui mô lớn mà Ấn Độ đang nhắm tới.
Ông Rafique Ahmed, người đứng đầu Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, tán đồng ý kiến cho rằng các kế hoạch xây nhà máy xi măng và những dự án công nghiệp khác có thể bị thiệt hại.
Nhưng ông hy vọng là những cơ hội mới sẽ mở ra cho các công ty lớn của Ấn Độ, đặc biệt là trong các lãnh vực công nghệ cao, dược phẩm và và các mặt hàng tiêu dùng.
Ông Ahmed cho biết: "Nhiều công ty đa quốc ở Ấn Độ đã muốn bán hàng cho Iran vì họ có nhu cầu ở đó, nhưng họ không muốn tiến vào thị trường. Bây giờ họ có thể tiến vào. Dân chúng ở đó còn nhớ tới các thương hiệu, một số người còn nhớ".
Các nhà phân tích cũng nêu ra rằng mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh kịch liệt hơn, các công ty Ấn Độ có phần chắc sẽ đạt được những thành quả rất lớn trong dài hạn nhờ vào sự phát triển của những tuyến trung chuyển mới thông qua Iran.
Chìa khoá của điều này là những kế hoạch của Ấn Độ để xây các cảng container và cảng hàng hoá tại thành phố Chabahar ở miền đông nam Iran, một dự án mà Ấn Độ đã ra sức tranh giành ngay cả trước khi thoả thuận hạt nhân được ký kết.
Bà Neelam Deo, cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ đang làm việc cho tổ chức nghiên cứu Gateway House ở Mumbay, cho rằng dự án xây cảng Chabahar sẽ mở ra một tuyến thương mại quan trọng mới với Afghanistan và các nước cộng hoà vùng Trung Á, qua việc để cho Ấn Độ tiếp cận các nền kinh tế của những nước nằm sâu trong lục địa.
Bà Deo cho biết: "Đây là một dự án rất quan trọng về mặt địa chiến lược đối với Ấn Độ. Ấn Độ đã không đạt được tiến bộ nào, một phần là vì các biện pháp chế tài quốc tế đã ngăn cản việc thành lập một tổ hợp công ty quốc tế để phát triển hải cảng đó; thậm chí Ấn Độ tự phát triển cũng không được. Giờ đây Ấn Độ cần phải nhanh chân vì đã có những đồn đoán là Trung Quốc cũng đang đề nghị Iran để cho họ phát triển hải cảng này".
Một dự án khác mà Ấn Độ hy vọng có thể nhanh chóng tiến hành là một dự án đường ống dưới đáy biển để đưa khí đốt của Iran tới duyên hải miền tây Ấn Độ xuyên qua biển Ả Rập mà không phải đi ngang Pakistan.
Ông Subodh Kumar Jain, Giám đốc Công ty Khí đốt Nam Á, là công ty đang dẫn đầu dự án đường ống dưới đáy biển, cho biết mọi việc có vẻ tốt đẹp vào thời điểm này.
Ông Jain nói: "Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng là những dự án như vậy sẽ được xúc tiến một cách nhanh chóng trong vài tháng nữa. Điều tốt cho dự án này là nhu cầu khí đốt của Ấn Độ rất lớn".
Ấn Độ nhập khẩu 75% số dầu lửa tiêu thụ trong nước. Họ sẽ được hưởng lợi nếu giá dầu hạ thấp hơn nữa, một việc có thể xảy ra khi dầu lửa của Iran được tự do mua bán trên thị trường thế giới.