Một số người Mỹ đã được tiêm các liều vaccine tăng cường chống COVID-19.
Kế hoạch dự kiến sẽ tiêm rộng rãi cho dân chúng liều vaccine tăng cường thứ ba bắt đầu từ ngày 20/9, đang chờ giới thẩm quyền y tế chung quyết. Các cố vấn khoa học của Cơ quan Quản trị Dược phẩm-Thực phẩm FDA sẽ công khai tranh luận về liều tiêm thứ ba vào ngày 17/9. Nếu FDA chấp thuận, các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC sẽ khuyến nghị ai sẽ là đối tượng được tiêm.
Dữ liệu trên thực tế cho thấy vaccine dùng ở Mỹ vẫn bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng và tử vong, nhưng khả năng vaccine ngừa bệnh nhẹ đang mai một.
CDC đã khuyến nghị những đối tượng đầu tiên được tiêm tăng cường mũi thứ ba là những người trong viện dưỡng lão và người cao niên cũng như lực lượng y tế tuyến đầu.
Một số nước khác đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ ba cho dân chúng trong khi có tranh cãi rằng các nước giàu nên chờ các nước nghèo được tiêm mũi đầu tiên trước đã.
Tác dụng của mũi vaccine tăng cường
Vaccine huấn luyện hệ thống miễn dịch chống lại virus corona, kể cả tạo ra kháng thể ngăn virus không vào bên trong các tế bào. Sau khi tiêm, người ta có mức kháng thể cao, nhưng giống như các vaccine ngừa các bệnh khác, kháng thể dần sụt giảm.
Một liều tăng cường sẽ đẩy mức kháng thể lên lại.
Hai hãng Pfizer và Moderna đã đệ đơn xin FDA chấp thuận cho mũi tăng cường thứ ba. Chính phủ Mỹ sẽ quyết định về liều tiêm tăng cường của Johnson & Johnson sau, một khi công ty cung cấp dữ liệu về mũi tiêm tăng cường của họ.
Mũi tiêm tăng cường sẽ bảo vệ tới đâu?
Chưa ai biết ‘lằn ranh ký diệu đó tới đâu’, nhà miễn dịch học Ali Ellebedy thuộc Đại học Washington ở St. Louis nói.
Nhưng mục tiêu chính của vaccine là ngăn bệnh nặng, Ellebedy lưu ý.
Ngoài ra, đáp ứng của mỗi người cũng khác nhau. Người trẻ có khuynh hướng sản xuất nhiều kháng thể hơn người cao tuổi. Điều này có nghĩa là nhiều tháng sau khi mức kháng thể giảm tự nhiên, một số người vẫn còn đủ kháng thể để khỏi bị nhiễm nhưng một số khác lại không.
Đó là yếu tố khiến FDA quyết định rằng những người bị miễn dịch kém do cấy ghép nội tạng, ung thư hay các bệnh trạng khác cần phải tiêm mũi vaccine thứ ba.
Sau mũi tăng cường, kháng thể có mai một nữa không?
Rốt cuộc là như thế. “Chúng ta không biết thời gian bảo vệ kéo dài được bao lâu sau mũi tiêm tăng cường,” bác sĩ William Moss thuộc Đại học Johns Hopkins lưu ý.
Thế nhưng kháng thể chỉ là một lớp phòng vệ. Nếu sự lây nhiễm vượt hàng rào phòng vệ này, tế bào T sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh nặng bằng cách giết chết các tế bào đã bị nhiễm virus. Một dạng khác gọi là tế bào B sẽ ra tay tạo ra nhiều kháng thể mới.
Các hệ thống phòng bị này giải thích vì sao sự bảo vệ chống lại bệnh nặng tới nay vẫn còn vững vàng đối với đa số chúng ta.
Giai đoạn tốt nhất để tiêm tăng cường
Đối với nhiều loại vaccine, thời gian được đề nghị là chờ nửa năm. Chính quyền Mỹ dự trù tiêm chủng tăng cường cho dân chúng sau 8 tháng.
Thời điểm rất quan trọng vì hệ thống miễn dịch dần dà xây dựng các lớp bảo vệ. Tiêm tăng cường sớm quá trước khi đáp ứng miễn dịch chín muồi, sẽ đánh mất lợi ích tối đa, theo bác sĩ Cameron Wolfe, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Duke.
“Đôi khi chờ thêm chút xíu nữa là thích hợp để đạt đáp ứng mạnh nhất,” ông nói.
Không phải mọi người đều chờ quyết định chung cuộc. Ví dụ, trung tâm UCHealth ở Colorado đã cho tiêm mũi tăng cường cho một số đối tượng nguy cơ cao vốn được tiêm mũi đầu từ tháng 12 và tháng Giêng. San Francisco đang tiêm mũi thứ nhì bằng vaccine Pfizer hay Moderna cho một số người đã nhận mũi tiêm duy nhất của vaccine Johnson & Johnson.
Mũi tăng cường là vaccine nguyên thuỷ hay vaccine cải biến theo Delta?
Các mũi tăng cường sẽ là liều phụ trội thêm của vaccine nguyên thuỷ. Các nhà sản xuất đang nghiên cứu các liều vaccine thử nghiệm cải biến để đuổi kịp Delta. Một cuộc nghiên cứu độc lập cho thấy vaccine nguyên thuỷ sản sinh ra kháng thể có khả năng nhắm mục tiêu Delta.
“Tôi rất tự tin rằng vaccine này sẽ hiệu nghiệm trước Delta, với một liều tăng cường của cùng một loại vaccine,” CEO của hãng Pfizer, Albert Bourla, nói với AP.