Ai Cập chấp thuận bản hiến pháp do phe Hồi giáo ủng hộ

Một phụ nữ Ai Cập cắt mái tóc của cô trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Tahrir, trong thủ đô Cairo của Ai Cập, 25/12/12

Một phụ nữ Ai Cập cắt mái tóc của cô trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Tahrir, trong thủ đô Cairo của Ai Cập, 25/12/12

Cử tri Ai Cập đã bỏ phiếu chấp thuận bản dự thảo Hiến pháp được phe Hồi giáo hậu thuẫn mặc dù số người đi bỏ phiếu thấp và đã có nhiều lời phản đối cùng với những quan ngại từ các nhóm đối lập.

Ủy ban bầu cử Ai Cập nói rằng 64% cử tri ủng hộ bản hiến pháp mới trong 2 đợt trưng cầu dân ý vừa qua, mặc dù 36% bỏ phiếu chống.

Ủy ban cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào khoảng 32%.

Loan báo đưa ra vào tối thứ Ba mở đường cho việc tổ chức bầu cử đại biểu hạ viện trong vòng 2 tháng tới. Quốc hội do phe Hồi giáo chiếm lĩnh đã bị giải tán hồi tháng 6 bởi các nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập, vào thời gian đó, dẫn đến tất cả quyền lập pháp nằm trong tay Tổng thống Mohamed Morsi, khi ông lên nhậm chức sau đó trong tháng.

Tiến trình thảo hiến pháp và cuộc trưng cầu dân ý đã làm nổ ra các cuộc biểu tình phản đối trong nhiều ngày bởi các nhóm đối lập chủ trương thế quyền và các nhóm có đường lối cấp tiến dẫn đầu, nhiều người trong số này nói rằng bản hiến pháp không thể hiện các lợi ích của họ khi được soạn thảo.

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nhận định rằng tương lai dân chủ của Ai Cập tùy thuộc vào việc tiến đến một sự đồng thuận rộng lớn hơn sau các quy tắc và các định chế dân chủ mới của nước này.

Phát ngôn viên Hoa Kỳ lập lại lời kêu gọi “tham khảo và dung hòa thực sự” và rằng người Ai Cập thất vọng với kết quả này sẽ mưu tìm sự dấn bước nhiều hơn.

Trước khi có các kết quả chung cuộc, nhà lãnh đạo đối lập và cũng là cựu ứng cử viên tổng thống, ông Hamdeen Sabahi, hôm thứ Hai, đã cảnh báo rằng bản hiến pháp được phe Hồi giáo hậu thuẫn sẽ không được tán thánh. Ông nói:

“Ngay từ đầu, Mặt trận Cứu Quốc đã nói bản hiến pháp này không thể hiện lòng dân, bản hiến pháp này không phải là văn kiện được sự đồng thuận của cả nước, mà là sự chia rẽ trong nước. Lập trường của chúng tôi là đấu tranh cho đến khi nào chúng tôi thay đổi bản hiến pháp này và thay bằng một bản hiến pháp khác, bản hiến pháp được cả nước đồng ý.”