<!-- IMAGE -->
Về phương diện lịch sử và chính trị, nhân dân Haiti đã phải tiến bước trên con đường khúc khuỷu, quanh co. Haiti từng có thời là một nước Cộng Hòa tự do thứ nhì tại tây bán cầu sánh vai với Hoa Kỳ. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ, Haiti thường bị cô lập vì vị trí địa lý và bị bỏ quên.
Vào thế kỷ thứ 18 Haiti là một thuộc địa phồn thịnh của Pháp.
Vào lúc đó Haiti phồn thịnh hơn Hoa Kỳ nhiều. Haiti là hòn ngọc chói sáng trong số các thuộc địa của đế quốc Pháp.
Người Pháp đã đem hàng ngàn nô lệ từ Tây Phi đến Haiti để làm việc trong những đồn điền trồng cà phê và mía.
Nhưng điều trớ trêu là cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã đem lại nguồn cảm hứng cho những người nô lệ ở Haiti. Họ đã đứng lên lật đổ những chủ nhân ông người Pháp, và năm 1804, Haiti giành được độc lập.
Trong lịch sử, đây là vụ nô lệ nổi loạn đầu tiên và duy nhất thành công, thành lập nước cộng hòa đầu tiên của người da đen và là nước cộng hòa đầu tiên lật đổ được chế độ thuộc địa và chế độ nô lệ.
Nhưng vào lúc đó, chế độ nô lệ vẫn được duy trì mạnh mẽ ở Hoa Kỳ.
Những nước tại châu Âu và Hoa Kỳ vẫn coi thường một quốc gia được thành lập nhờ vào một vụ nổi loạn của nô lệ.
Hoa Kỳ đã không công nhận Haiti cho mãi đến năm 1862.
Trong những thập niên đầu kể từ khi hiện hữu, quốc gia Haiti bị cô lập, bị làm ngơ và khinh thường.
Với nợ nần chồng chất và không quốc gia nào từ thế giới bên ngoài giúp đỡ, kinh tế của Haiti đã chẳng bao giờ vững mạnh, một tình trạng làm phát sinh những rối loạn chính trị.
Trong 65 năm kể từ 1843 đến 1915, Haiti đã có đến 22 nguyên thủ quốc gia.
Năm 1915, lực lượng quân sự Mỹ được gửi tới Haiti để tái lập trật tự và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã cai quản Haiti cho đến khoảng năm 1935.
Nhưng chu kỳ bất ổn kinh tế và chính trị cứ tiếp tục.
Haiti tiếp tục là một quốc gia nghèo và chậm phát triển cùng cực. Các chính phủ liên tiếp lên cầm quyền ở nước này luôn yếu kém.
Các chế độ đàn áp và tham tàn khủng khiếp đã làm tất ca mọi chuyện để vơ vét thật nhiều của cải quốc gia.
Và chế độ tại Haiti càng tệ hại hơn dưới chế độ của gia đình Duvalier. Francois Duvalier “cha” có biệt danh là “Papa Doc” Duvalier, tiếp theo sau là con trai của ông ta, biệt danh “Baby Doc” đã cai trị Haiti từ năm 1957 đến năm 1986.
Thời kỳ gia đình Duvalier cầm quyền đã gây rất nhiều tai tiếng về những hành vi tham nhũng, tàn bạo và giết người. Nhưng lúc đó cuộc Chiến Tranh Lạnh đang dâng cao, và cha con ông Duvalier được coi là những người chống cộng hăng say.
Thời kỳ gia đình Duvalier cai trị Haiti là một thời kỳ khủng khiếp, kinh hoàng.
Và ai cũng biết rằng Hoa Kỳ ủng hộ cho những nỗ lực nhắm duy trì quyền lực của cha con ông Duvalier.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ không hẳn đã ủng hộ cha con ông Duvalier, mà chỉ dung túng cho họ.
Sau “triều đại” Duvalier, một loạt các vụ đảo chính liên tiếp xảy ra ở Haiti.
Đến năm 1990, một tia hy vọng đã bừng lên. Ông Jean Bertrand Aristide trở thành tổng thống đầu tiên được bầu lên bằng đường lối dân chủ tại Haiti.
Ông đã đắc cử trong hy vọng tràn trề của nhân dân Haiti.
Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, một vụ đảo chính của quân đội đã lật đổ ông Aristide, tiếp theo sau là những biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Những biện pháp trừng phạt đó thực sự nhắm mục đích buộc chế độ bất hợp pháp phải từ bỏ quyền bính. Nhưng trên thực tế, nó đã hủy hoại văn hóa của Haiti cũng như lãnh vực công nghiệp của nước này, và khiến cho quốc gia này lâm vào tình trạng tệ hại hơn trước rất nhiều.
Năm 1994, 20 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã đổ bộ lên Haiti và ông Aristide trở lại cầm quyền.
Ông Aristide đã giữ vai trò tổng thống từ năm 1994 đến năm 1996, và từ năm 2001 đến năm 2004, là năm mà lực lượng nổi dậy chống ông Aristide đe dọa tiến chiếm thủ đô Port-au-Prince.
Một lần nữa quân đội Mỹ lại được phái đến, và Hoa Kỳ đưa ông Aristide ra khỏi nước.
Giờ đây vị tổng thống đang cầm quyền tại Haiti là ông Rene Garcia Preval. Trước đây ông đã từng được bầu vào chức vụ tổng thống, năm 1996 và năm 2001.
Sự kiện này khiến ông trở thành vị tổng thống thứ nhì trong lịch sử Haiti đã hoàn tất được nhiệm kỳ và rời khỏi chức vụ một cách êm thấm.