<!-- IMAGE -->
Trận động đất ngày 12 tháng Giêng vừa qua tại Haiti và những dư chấn sau đó giết và làm bị thương hàng trăm ngàn người tại quốc gia vùng biển Caribê này, hầu hết là hậu quả của việc mà các kỹ sư gọi là cấu trúc yếu kém làm nhà cửa sụp đổ, mái sập, đại loại như vậy. Thông Tín Viên về khoa học của Đài VOA Art Chimes tường trình về đề tài mà một số kỹ sư đang bàn tán liên quan đến thiên tai ở Haiti và làm thế nào để có thể giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra động đất trong tương lai.
Dù rằng có một đường nứt chạy ngang qua thủ đô Port-au-Prince của Haiti, loại thiên tai mà hầu hết người dân Haiti nào cũng lo sợ là bão. Những trận bão nhiệt đới này thổi qua vùng này mỗi mùa hè, và Haiti, một quốc gia rất nghèo, hiện vẫn còn đang phải dọn dẹp những đổ nát do một loạt các trận bão lớn gây ra trong thời gian hai năm qua. Trận động đất lớn cuối cùng xảy ra vào thế kỷ 19, đã quá lâu, do đó người ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều tòa nhà không được thiết kế hay xây dựng để chịu được động đất.
Những chuyên viên, dù chưa được thấy tận mắt những thiệt hại, đồng ý là trận động đất xảy ra rất gần thành phố và gần mặt đất rõ ràng là gây nhiều sự tàn phá nhưng họ cho rằng những ngôi nhà được xây dựng dưới chuẩn mực cũng giúp giải thích tại sao có nhiều thiệt hại như thế.
Bà Anne Kiremidjian, giáo sư ngành kỹ sư công chánh thuộc trường đại học Stanford nghiên cứu những hình chụp khu vực động đất nơi mà việc xây dựng bằng gạch, khung bê tông hay bằng đất sét chiếm phần lớn những công trình xây dựng.
Bà Kiremidjian nói: “Ba loại xây dựng như thế rất dễ bị động đất làm sụp đổ”
Bà Kiremidjian nói thêm là những ngôi nhà xây bằng gạch hay gạch blốc bằng bê tông cần phải được gia cố thích hợp.
Bà Kiremidjian nói tiếp: “Chỉ cần nhìn vào các ngôi nhà được xây bằng vôi vữa. Tôi phải nhướng mắt nhìn xem có một hay vài cột gia cố hay không và thấy rằng thiếu rất nhiều các cột chống đỡ đó.”
Khi xây, các kỹ sư thường tính sức chịu đựng tĩnh-tức là sức nặng của ngôi nhà và những vật có trong ngôi nhà này. Tuy nhiên phải tính thêm sức chịu đựng những lực khác chẳng hạn như khi xảy ra động đất gây rung chuyển làm kiến trúc lung lay từ bên này sang bên kia-và những ngôi nhà cần phải được thiết kế để chịu đựng được những sự lay chuyển như thế.
Ông Clay Naito, giáo sư về kỹ sư cấu trúc của trường đại học Lehigh, Pensylvanya cho biết là những vật liệu cũng như kỹ thuật xây dựng tại Haiti không nhất thiết làm cho những ngôi nhà này dễ bị sụp đổ, nhưng việc xây dựng phải được thực hiện cho đúng.
Ông Naito nói: “Bê tông được gia cố là vật liệu tuyệt hảo để chống lại động đất. Người ta có thể thiết kế một kiến trúc từ bê tông được gia cố chịu đựng rất tốt tại những nơi có động đất cao. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi người bỏ qua, không chú trọng tới những chi tiết.”
Những chi tiết này như là phải xây các cột cho vững chắc, đủ lớn để chống đỡ sức nặng của sàn nhà tầng trên .
Những toán kỹ sư quốc tế sẽ đến Haiti để đánh giá xem tại sao thiệt hại lại quá to lớn và sâu rộng như thế. Ông Brady Cox là một giáo sư ngành kỹ sư công chánh tại trường đại học Arkansas. Ông đã từng đến thăm Nhật Bản và Peru sau khi có những trận động đất xảy ra tại hai nước này và ông cũng làm như thế tại Haiti.
Ông Brady Cox cho biết: “Sau mỗi trận động đất lớn, chúng ta học được những bài học dùng để hoàn chỉnh lại những qui định về thiết kế và xây dựng. Thật là lạ lùng, các trận động đất tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên. Mỗi trận động đất đều có dấu ấn riêng và hy vọng là chúng ta có thể học được những bài học mới từ mỗi trận động đó để làm tốt hơn cho những thiết kế trong tương lai cũng như cho những thế hệ mai sau.”
Các kỹ sư nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chấp nhận những qui định về xây dựng đòi hỏi những chi tiết giúp cho nhà cửa ít bị động đất gây thiệt hại.
Tuy nhiên ngay cả việc thay đổi một cách nhỏ nhoi trong việc xây dựng cũng giúp tăng tỉ lệ vững vàng của các kiến trúc. Ông Clay Natito, kỹ sư của trường đại học Lehigh, nói là tại Nhật Bản, quốc gia dễ xảy ra động đất, những thay đổi nhỏ trong kỹ thuật xây dựng truyền thống cũng được thực hiện cùng với sự quan tâm về chi phí.
Ông Naito nói: “Để đối phó, người Nhật đã đưa ra được một số những chuẩn mực có thể đem áp dụng trong các phương pháp xây dựng hiện tại của họ để có thể giúp chịu đựng được động đất. Và tôi nghĩ một phương thức tương tự có thể được áp dụng tại Haiti”
Tuy nhiên, hiện còn quá sớm chưa thể biết được là trong lúc đang phải nhanh chóng xây dựng lại thủ đô Haiti hoang tàn, thì người ta có chịu chú ý đến việc làm sao phải giảm thiểu cơ nguy của một thành phố được xây dựng trên một đường nứt hay không.