Truyện cực ngắn liên hoàn của Nguyễn Viện

Truyện cực ngắn liên hoàn của Nguyễn Viện

<!-- IMAGE -->

Dưới đây là tác phẩm mới mà nhà văn Nguyễn Viện muốn gửi, trước hết, đến bạn đọc của blog này. Theo tôi, đây là một truyện hay. Bạn có thể đọc chúng như năm truyện cực ngắn độc lập. Thích đọc truyện nào trước cũng được. Mỗi truyện có độ hoàn hảo riêng. Và có dư vị riêng. Nhưng tốt hơn hết là đọc chúng, cả năm truyện ấy, như một tác phẩm hoàn chỉnh, một thứ truyện-cực-ngắn-liên-hoàn, nói theo chữ của Nguyễn Viện. Đọc như thế, chúng ta sẽ thấy truyện lạ hẳn. Lạ về kết cấu: quan hệ giữa các phần (tức là mỗi truyện cực ngắn) không còn theo tuyến tính thông thường. Giữa chúng có những khoảng trống mà người đọc phải lấp đầy. Làm như vậy, người đọc tự động tham gia vào quá trình cấu trúc hoá tác phẩm, qua đó, trở thành một thứ đồng-tác giả (co-author). Đọc, do đó, thực sự là một sự sáng tạo. Lạ về ý tưởng: các câu chuyện, ngỡ như rời rạc, có khi nhả nhớt và nhảm nhí (như hai truyện cuối), kết hợp lại, cho chúng ta thấy một bức tranh khác về xã hội Việt Nam hiện nay, một bức tranh không phải ai cũng thấy và càng không phải ai cũng có thể thể hiện được bằng ngôn ngữ.

Bạn thử nghĩ xem bức tranh ấy như thế nào?
NHQ


TRUYỆN CỰC NGẮN LIÊN HOÀN
Nguyễn Viện

Âm vọng tiếng chửi thề

Buổi sáng phẳng lì. Những người ngồi trong quán cà phê dẹp và mỏng như tờ giấy với đầy những ký tự đại khái như “tôi uống, tôi hiện hữu”, “tôi đẹp trai, tôi hiện hữu”, “tôi hiểu biết, tôi hiện hữu” v.v... cứ như thể không có những thứ ấy thì họ không hiện hữu. Những ly cà phê cũng dẹp lép như một khái niệm.

Trong văn phòng làm việc không phải mọi thứ đều phẳng lì. Nhưng cái gọi là sự thật thì phẳng lì. Nó phẳng đến độ tất cả mọi-âm-thanh-mọi-tiếng-nói-mọi-ý-nghĩ đều trượt đi. Bởi vậy, dường như văn phòng lúc nào cũng trống trơn mặc dù cô trực văn phòng điểm danh không thiếu một người nào và cơ quan mỗi tháng phải xuất ra một số tiền không nhỏ để trả lương cho những kẻ vắng mặt hợp pháp này.

Buổi chiều, sự phẳng lỳ mới đáng sợ. Tất cả mọi đàn ông đều chui vào quán nhậu. Bia, mồi và những câu chuyện của họ chính là cái phẳng lì mà trên đó họ tuột xuống còn nhanh hơn cả việc rơi tự do trong không gian. Khi những người phục vụ chưa kịp mang tăm xỉa răng ra thì họ đã biến mất. Những cái ghế không hề làm chứng cho một hiện hữu nào ngoài việc chứng minh rằng nó là một cái ghế.

Những cô gái chưa chồng thì đi shopping. Thật ra, chẳng ai nhận dạng được các cô này ngoài các nhãn hiệu nổi tiếng.

Những quí bà thì bao giờ cũng có lý do để vội vã. Họ lo đón con ở trường học hoặc chạy vội về nhà để nấu nướng. Hết chiều này đến chiều khác, từ điểm nọ đến điểm kia, họ chỉ là cái gạch nối để mọi người nhận ra có một cuộc đời và cái cuộc đời ấy thật ra nó lại nằm trên màn hình cái TV chiếu phim truyện.

Có một phần không nhỏ của nhân loại thường thức quá nửa đêm. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đêm bớt phẳng lì. Tất nhiên không phải ai cũng thao thức, việc ngủ trễ có trăm ngàn lý do. Chơi, làm việc hay không chơi cũng không làm việc, chung qui cũng chỉ nối dài cái phẳng lì vốn dĩ đã quá phẳng lì của ban ngày. Mà ngay cả việc “tôi thao thức, tôi hiện hữu” thì cũng chẳng phải là một mệnh đề khả dĩ có thể cứu vãn được cái phẳng lì bớt phẳng lì.

Không phải chuyện phim truyền hình

Chị đã bước ra khỏi quán cà phê sau khi ném vào mặt hắn một cái nhìn khinh bỉ. Chị không nghĩ là mình đã từng ăn ngủ và có hai đứa con với hắn. Hắn đã thật sự trở thành xa lạ khi nhất quyết đòi chia gia sản làm hai, một mình hắn một nửa, ba mẹ con một nửa còn lại. Cho dù hắn chấp nhận chu cấp nuôi con hàng tháng thì điều ấy cũng không có nghĩa là hắn có quyền cướp hết quyền thụ hưởng của con cái.

Vấn đề chưa ngã ngũ, chị phải về đón con. Mặc dù lộn ruột, nhưng chị vẫn băn khoăn không biết nên cho hai đứa con biết về cách cư xử của bố nó như thế nào. Chị có quyền tước bỏ lòng yêu thương và sự kính trọng của con cái với bố nó không?

Cuối cùng chị vẫn quyết định nói sự thật với con. Đứa lớn bảo: “Con không quan tâm đến việc có được chia gia tài hay không. Con chỉ nghĩ là mẹ phải ly dị”.

Và chị đi tìm một luật sư.

We are the world

Gã luật sư nói với hắn: “Ông có quyền hưởng một nửa gia sản. Phần con cái sẽ tùy thuộc vào việc ai là người có trách nhiệm nuôi chúng sau này. Nhưng phần chắc là ông không có quyền đó. Có một khác biệt rất lớn giữa tiền chu cấp hàng tháng với khoản gia sản ông nhận được nếu chia hai”.

Người thứ ba trên bàn nhậu nói: “Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Các ông cần phải cưa cho hết cái chai này trước khi năm 2012 đến”.
Người thứ tư nói: “Vợ là nợ, con là oan gia, bố mẹ vợ là hai con khỉ già, em vợ là tiên nga. Hãy chọn đi”.

Người thứ năm nói: “Tất cả các ông đều tầm phào. Descartes bảo: “Tôi suy tưởng, tôi hiện hữu”. Các ông có hiện hữu không mà nói chọn hay không chọn”.

Người thứ sáu nói: “Nếu ông không hiện hữu thì ông móc túi nhân dân bằng cách nào?”

Người thứ bảy nói: “Tao đếch cần phải móc túi đứa nào. Tao chỉ chờ tụi nó tự nguyện dâng thôi”.

Hắn nâng ly: “Chúng ta là thế giới. Vô”.

Những cục cứt trôi sông

Lại đêm. Không ai nhìn thấy gì trên mặt sông ngoài những mảng lục bình khổng lồ trôi theo con nước. Nhưng hắn bảo nhất định phải có cứt. Mọi thứ đều có thể phẳng lì nhưng mùi cứt thì dứt khoát không. Một thằng vô tích sự phát biểu cả cuộc đời này là một bãi cứt, thì mấy cục cứt trôi sông nhằm nhò gì. Hắn bảo, chỉ những cục cứt trôi sông mới hiện hữu. Thằng vô tích sự nói, đừng ám thị, ám chỉ, phân cấp, phân lô như thế làm tủi hổ cho những cục cứt nhân dân. Hắn bảo, cứt cũng cần phải phân biệt chính tà và được lãnh đạo, nếu không mùi cứt cũng phẳng lì thì làm thế nào.

Phát ngôn của thằng vô tích sự

Các ông phải biết rằng, quả đất này tròn. Hừ. Bởi thế không chỗ nào là tâm, mà chỗ nào cũng là tâm. Hừ. Các ông cần phải vất mẹ cái dân tộc, tổ quốc của các ông đi. Hừ. Hãy toàn cầu hóa triệt để. Hừ. Các ông cứ nghĩ kỹ đi, như thế có phải không. Hừ. Lúc ấy, biển Đông hay biển Nam là của chung. Bô-xít toàn thế giới chỉ cần một ông/bà tổng giám đốc là đủ. Hừ. Tất cả các mỏ dầu đều chảy vào một kho là xong.

Hừ, mặt trăng có phải của thằng nào đâu, đúng không. Muốn có hòa bình không chết đói thì cứ bán mẹ cái quốc gia cho một tổng công ty toàn cầu là êm xuôi, ăn ngon ngủ khỏe, đúng không.

Hãy định nghĩa lại cái phẳng lì đi các cha.

Há.

12.1.2010