Nỗi buồn tôi 

Nỗi buồn tôi 

<!-- IMAGE -->

Sinh ở Huế. Trước 1975, viết văn, viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981. Năm 1993, định cư tại Hoa Kỳ. Hiện cùng gia đình sinh sống tại Worcester, bang Massachusetts, làm việc cho Sở Giáo Dục Thành Phố. Bắt đầu viết lại và cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Talawas, Da Màu. Các tác phẩm đã xuất bản: Vết xước đầu đời (tập truyện ngắn); Căn phòng thao thức (tập truyện ngắn); Viết và Đọc (tiểu luận văn học); Loanh quanh những nẻo đường (ký và tùy bút); Dặm trường (truyện dài); Tác giả tác phẩm và sự kiện (tiểu luận văn học); Từ ảo đến thực (tạp bút)

(Tiếp từ “Cái thú của tôi”)

Nhưng, những giờ phút ngất ngây thưởng thức văn mình không kéo dài mãi. Một hôm, tôi đau đớn nhận ra một điều khác thường: những gì mình viết ra không có gì hay. Tôi bàng hoàng tự hỏi: văn CỦA tôi mà như thế đó sao?

Tôi không nói ngoa đâu! Thường thì một tác phẩm ra đời, có người khen hay, có người chê dở, tùy theo quan điểm văn chương hay trình độ hay cảm quan riêng, là sự thường. Riêng tôi, sự thể có khác. Trước đây, tôi thích nó vì nó là của tôi. Bây giờ, đột nhiên tôi khám phá ra cái của tôi đó dường như có nhiều điều trục trặc. Thế mới kỳ! Đọc đi đọc lại, tôi mất hết cảm giác hưng phấn của những ngày đầu khi bài viết mới được hoàn tất. Thoạt tiên, cái “không hay” chỉ là một ý chung chung. Dần dần, tôi tìm ra nhiều điều không hay khác. Câu chuyện, ý tưởng, hình ảnh lủng ca lủng củng, chẳng có một chút gì hấp dẫn. Câu kéo rời rạc, chỗ thì dài dòng, chỗ lại thiếu hụt, nhiều câu trùng ý và sai cả văn phạm. Lạ thật! Tôi ngờ rằng một ai đó đã viết chứ không phải mình. Tự hỏi: sao mà mình, lúc đó, lại có thể viết như thế này nhỉ?

Bởi vậy, hễ đọc lại là muốn sửa: sửa câu, sửa chữ, sửa ý. Thậm chí muốn sửa hết cả tác phẩm của mình. Tôi cảm thấy dị ứng với những gì mình đã viết. Có khi nào bạn đọc lại những lá thư tình bạn viết cho người yêu mà mối tình đã đổ vỡ? Đấy, bạn sẽ thấy những lời lẽ trìu mến, nồng nàn mà bạn đã từng say sưa viết ngày nào, lúc này bỗng trở thành vô duyên lạ lùng!

Chưa hết. Càng đọc những bài viết xa hơn trong quá khứ, tôi lại càng thấy chúng lạc loài hơn. Hơi văn, ý tứ, hình ảnh… cũ càng, chuệch choạc. Tôi cảm thấy xa lạ với chính chữ nghĩa của mình. Y như một ngày nào đó, bạn khám phá ra rằng, đứa con mà bạn đã từng yêu quý như vàng như ngọc bây giờ khác hẳn. Nó không đẹp như người khác, không giỏi giang như người khác, không mềm mỏng như người khác... Nó độc lập. Nó có phận riêng của nó, chừng như bạn không thể nào can thiệp được. Nó không còn là của bạn nữa.

Những gì tôi viết cũng thế, đã có phận riêng của nó rồi. Lúc đầu, tôi vẫn tưởng tôi có quyền làm gì nó thì làm. Nghĩa là sửa, là xóa, là viết lại. Không đâu. Nó đã thành hình. Đã chào đời. Nó là của tôi nhưng không phải của tôi. Vậy tôi có quyền gì thay đổi số phận của nó chứ!?

Thôi thì để cho nó bình yên trôi vào quá khứ. Và tự nguyện sẽ viết một cái gì hay hơn. Tôi không có tính hiếu đại, muốn sáng tác ra một cái gì để đời, vĩnh viễn có giá trị. Hơn nữa, tôi vốn không tin tính “vĩnh viễn” của bất cứ cái gì trên đời này, nói gì đến văn chương là thứ mà bản chất là vô thường! Nhưng tôi muốn mình phải viết hay như người khác, như những ai mình đã từng tâm phục. Tôi muốn viết một tác phẩm lớn. Lớn, vâng. Tôi muốn trở thành văn hào, thi hào hay một nhà phê bình được mọi người ngưỡng mộ. Vâng, muốn lắm.

Nhưng làm sao bây giờ?

Để thành một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà phê bình... thì không có gì khó. Cứ viết truyện thì thành nhà văn, cứ làm thơ thì thành nhà thơ, cứ viết biên khảo thì thành nhà phê bình. Dễ ợt, phải không bạn? Khổ nỗi, không có sách nào chỉ cho mình cách để trở thành văn hào hay thi hào cả. Mà dường như không ai trong số những người đã được phong tặng danh xưng đó nghĩ rằng mình viết để trở thành văn hay thi hào. Danh xưng là cái đến sau, chứ tôi độ chừng rằng trong khi viết thì có lẽ họ cũng làm một việc như bạn, như tôi: cắm cúi viết. Mà văn, thi hào thì để làm gì nhỉ?

Thành thử, tất cả điều tôi muốn bây giờ giản dị hơn nhiều: cố gắng viết hay hơn chính mình. Tôi muốn hơn chính tôi, bạn ạ. Muốn vượt qua tôi. Muốn thách đố với khả năng tôi. Muốn trở thành đối thủ của tôi. Hay ít nhất cũng tìm cách khác tôi. Tóm lại, cố gắng đừng lập lại chính mình. Chính vì thế mà tôi thích viết, viết hoài.

Vậy bạn đừng ngạc nhiên, tại sao đến bây giờ, tôi vẫn còn viết. Cứ viết. Tôi muốn duy trì cái thú của tôi: thưởng thức bài viết của mình khi nó còn tinh khôi, chưa cọ xát với đời. Dẫu biết rằng những gì tôi viết hôm nay, sẽ là điều tôi không muốn đọc vào một lúc nào đó.

Sau này. [TDN]