<!-- IMAGE -->
Cuối năm 2007, chính phủ Trung Quốc quyết định nâng ba nhóm quần đảo thuộc Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa lên thành cấp huyện, trực thuộc tỉnh Hải Nam. Trong ba nhóm quần đảo ấy, Tây Sa và Nam Sa vốn là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Quyết định ấy đã làm dấy lên làn sóng công phẫn trong giới thanh niên và trí thức Việt Nam. Một cách tự phát, họ ào ạt xuống đường biểu tình chống lại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Cuộc biểu tình lớn nhất là vào ngày 9 tháng 12 với sự tham dự của hàng mấy trăm người trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cùng xuống đường biểu tình với các thanh niên sinh viên, có một số cây bút nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Thận Nhiên, nhà thơ Trần Tiến Dũng, đạo diễn Song Chi, nhà báo Thu Hồng, nhạc sĩ Tuấn Khanh, v.v…
Cuộc biểu tình, cuối cùng, đã bị chính quyền trấn áp. Một số người bị bắt. Một số người phải gánh chịu những đòn trả thù thô bạo, sau đó. Trong các tên tuổi văn nghệ sĩ kể trên, đạo diễn Song Chi đã phải xin tị nạn chính trị tại Na Uy.
Đã hơn hai năm trôi qua, ấn tượng của các cuộc biểu tình ấy vẫn còn đọng lại sâu đậm trong lòng nhiều người. Mà làm sao có thể quên được chứ? Nỗi nhục bị lấn chiếm còn đó, làm sao quên được? Nỗi nhục nhìn thấy chính quyền khiếp sợ trước ngoại bang, làm sao quên được? Nỗi cay đắng khi nhìn thấy những người yêu nước, muốn bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ lại bị chính chính phủ của mình ra tay áp bức, làm sao quên được?
Nhưng nhớ lại không phải chỉ vì cảm giác nhục nhã hay cay đắng. Nhớ lại còn vì sự tin tưởng mãnh liệt, nói như Trần Tiến Dũng, trong bài thơ mà ông muốn chia sẻ trước hết, với độc giả của blog này, thứ nhất, “cọc nhọn hiểm ác không thể kéo thấp đỉnh hy vọng” và, thứ hai, “quảng trường đó chỗ đứng đó không ai có thể xoá”.
Vâng, nhất định không ai có thể xoá được.
NHQ
Đi đến điểm cuối của tất cả các tháng mười hai
Kính tặng những gương mặt của ngày 9-12-2007
Đi đến điểm cuối tháng mười hai
phía trước là biển
vách san hô
con đường sóng
bầy hải âu dính lưới giữa trời
hoa máu trôi dài theo luồng cá
Đây, đất nước thân yêu!
biển trống hoác
súng từ phương bắc nổ ra như tiếng cười
người ở đây
những người đi xa
tôi nhìn thấy những gương mặt tuyệt vọng
trước cửa nhà
nơi bầy ruồi bu kín xác chiếc tàu
Tôi sẽ đi đến điểm cuối tháng mười hai này
giữa lằn ranh của hơi thở và nước
tháng mười hai cũ trở lại thật xanh
gió Hà Nội-Sài Gòn hỏi: “Nhớ không?”
cọc nhọn ác hiểm không thể kéo thấp đỉnh hy vọng
Và những bàn tay ở quảng trường biểu tình ngày cũ
mỗi người từ nơi ấy đã là con tàu
đoá hoa xanh vẫn lái tàu giữa những con chim thuỷ thủ
kim la bàn chỉ theo hướng mắt thanh niên
màu xanh đang ngày ngày được rửa
từng cánh chim rơi xuống nơi mặt trời sẽ mọc
sáng đất nước bài ca từ đôi môi mặn nước mắt
Với gió ! Tôi sẽ nói
quảng trường đó chỗ đứng đó không ai có thể xoá
luôn luôn những cây kim la bàn ánh bạc
tin theo hướng mắt thanh niên
những bàn tay yêu biển loé sáng trên nền xanh bất tận
tiếng chim thời gian vô hạn hót bên tai
biển là cửa của dân tộc tôi nhìn ra thế giới
thế giới có thể thay đổi
nhưng mãi mãi
từ cửa này, biển là tổ quốc tôi
Ngay cả khi tuyệt vọng với quyền phát ngôn
rừng bất hạnh và núi khát vọng
cả khi bàn tay chúng ta chỉ còn biết ôm lấy đầu
vẫn lấp lánh ánh kim la bàn và loa tay vang vọng
vách san hô đó
con đường sóng biển đó
quảng trường biểu tình cũ bừng hơi thở và nước
đi đến điểm cuối của tất cả các tháng mười hai
trên biển gương từ võng mạc mỗi người
vẫn là đây-đất nước thân yêu !
mở hết với trời xanh
đi hết những ngày rất tối
Trần Tiến Dũng