<!-- IMAGE -->
Hầu như hiện nay ai cũng thấy và ai cũng đồng ý tham nhũng là quốc nạn của Việt Nam. Ở đâu cũng có tham nhũng. Cấp nào cũng có tham nhũng. Làm lớn ăn lớn; làm nhỏ ăn nhỏ. Lãnh đạo và quản lý các dự án lớn, cấp quốc gia, với ngân sách hàng tỉ đô la, người ta tham nhũng ở mức hàng chục triệu; ngân sách hàng trăm triệu, người ta tham nhũng ở mức vài triệu. Chức thấp, ở cấp phường cấp xã, người ta tham nhũng ở mức vài ngàn, vài trăm, thậm chí, vài chục đô-la.
Ở Việt Nam, hầu như người dân không thể làm bất cứ điều gì nếu không chịu hối lộ. Muốn có hộ khẩu? - Phải hối lộ! Muốn sang tên nhà đất? - Phải hối lộ! Muốn làm hộ chiếu để đi nước ngoài? - Phải hối lộ! Muốn con được vào học ở một trường kha khá một chút? - Phải hối lộ! Đưa thân nhân vào bệnh viện, muốn có giường nằm ngay? - Phải hối lộ! Muốn thay ra giường mỗi ngày? Lại phải hối lộ!
Mức phổ biến và độ trầm trọng của nạn tham nhũng tại Việt Nam là điều mà hầu như bất cứ người dân Việt Nam nào cũng thấy và cũng từng có kinh nghiệm. Ngay những người Việt ở hải ngoại, lâu lâu về nước một vài lần, cũng thấy. Thấy ngay từ lúc vừa đặt chân xuống phi trường Hà Nội hay Sài Gòn, ở những tờ 20 hay 50 đô-la mà một số bà con nhẹ dạ đã kẹp sẵn trong hộ chiếu khi trình cho công an cửa khẩu hay hải quan để tránh sự phiền hà.
Không cần phân tích nhiều, ai cũng dễ dàng nhìn thấy những tác hại lớn lao của tham nhũng. Về phương diện kinh tế, nó làm thất thoát vô số tài sản của quốc gia; về phương diện pháp lý, nó chà đạp lên nhân quyền; về phương diện đạo lý, nó làm đảo lộn mọi giá trị; về phương diện xã hội, nó làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; về phương diện chính trị, nó làm mất niềm tin của dân chúng đối với nhà nước, đặc biệt, giới cầm quyền.
Chính vì ý thức được những tác hại lớn lao của tham nhũng nên hầu như ở đâu người ta cũng hô hào phòng chống tham nhũng. Ở Việt Nam, cũng thế. Cũng có đạo luật này, đạo luật nọ. Cũng có Ban này, Ban nọ. Hơn nữa, mới đây, người ta còn có sáng kiến biến việc phòng chống tham nhũng thành một môn học trong nhà trường.
Những việc làm ấy có hiệu quả gì không?
Không. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong năm 2009 vừa qua, công an thành phố chỉ phát hiện được có 25 vụ có dấu hiệu tham nhũng; trong đó, chỉ có 20 vụ bị đề nghị truy tố. Cũng thời gian ấy, ở Sài Gòn, công an thụ lý điều tra 51 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chỉ mới khởi tố 15 vụ. Bất cứ ai cũng thấy số “vụ việc” bị phát hiện như vậy là quá ít. Cách xử lý lại càng khiêm tốn. Ông Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cộng đồng, cho biết “theo điều tra của chúng tôi về đánh giá việc xử lý các vụ tham nhũng tại địa phương, chỉ 2% người được hỏi cho là đã xử lý đầy đủ và đúng tội, 73% nhận thấy xử lý chưa hết và không kiên quyết”. Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng cũng thừa nhận: “Tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng còn thấp so với yêu cầu, chưa đạt kết quả như mong đợi".
Không có gì đáng ngạc nhiên khi nạn tham nhũng ở Việt Nam không những không có dấu hiệu gì giảm bớt mà còn có vẻ như càng ngày càng trầm trọng và tệ hại hơn. Bao nhiêu ban bệ ra đời chỉ để bắt bớ vài vụ tham nhũng lẻ tẻ của các cán bộ cấp phường, cấp xã, của các cảnh sát đường gác ngoài đường, của giáo viên hay y tá, của một số nhân viên kiểm lâm hay thuế vụ. Toàn những vụ tham nhũng lặt vặt. Còn những vụ tham nhũng to kềnh, hàng chục triệu đô la thì phần lớn chỉ được người ngoại quốc phát hiện và tố cáo, còn chính phủ Việt Nam thì tìm đủ mọi cách để che đậy.
Thật ra, điều đó cũng dễ hiểu. Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Chỉ có những kẻ có quyền mới có thể tham nhũng. Nhưng, trên thế giới, không phải ai có quyền cũng có thể tham nhũng được. Nguyên nhân không phải ở chỗ người ta tham hay không tham. Nguyên nhân chính là quyền lực của người ta có được kiểm soát hay không. Có điều quyền lực không bao giờ có khả năng tự kiểm soát hay tự hạn chế. Hơn nữa, chúng còn có khuynh hướng bao che cho nhau để tồn tại và phát triển. Ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ thành phố Hà Nội, trong cuộc họp vào ngày 25/12/2009 tại Hà Nội cũng thừa nhận điều đó, khi cho biết tất cả các vụ tham nhũng bị lộ diện dều do dân chúng hoặc báo chí tố cáo. “Gần như không có việc tự phát hiện của các cấp uỷ Đảng và cơ quan.”
Tưởng đâu thừa nhận như vậy là ông Phạm Quang Nghị đã thấy được vấn đề.
Nhưng, không phải. Sau đó, ông đổ lỗi cho sự “suy thoái đạo đức ở một số cán bộ đảng viên” và cho cơ chế: "cơ chế của chúng ta làm cho nhiều người giàu lên một cách bất thường, thậm chí nhiều người không định làm cái đó nhưng cứ ngồi vào vị trí đó là có người khác đưa tiền đến hối lộ".
Nói như vậy là không thành thực: Nếu chỉ có “một số” cán bộ đảng viên bị “suy thoái đạo đức” thì đảng và nhà nước không đến nỗi hoàn toàn bất lực trong việc phát hiện tham nhũng như ông mới thừa nhận!
Nói như vậy là không dám đi đến cùng: Nếu cơ chế hư hỏng đến độ bất cứ ai ngồi vào vị trí nào đó cũng đều “có người đưa tiền đến hối lộ” và trở thành tham nhũng thì tại sao lại không thay đổi hay đập quách cái cơ chế ấy đi?
Nói như vậy là cố tình nhắm mắt không nhìn sự thực: Sự thực ấy đã lộ ra rành rành: Nếu, cho đến nay, hầu hết, nếu không nói tất cả, các vụ tham nhũng bị lộ diện đều do dân chúng hoặc báo chí phản ánh hoặc tố cáo thì, không còn hoài nghi gì nữa, chính dân chúng và báo chí mới là lực lượng phòng và chống tham nhũng một cách có hiệu quả nhất.
Để dân chúng và báo chí có thể chống tham nhũng được thì chỉ cần một điều kiện duy nhất: tự do, trước hết là tự do ngôn luận. Chắc chắn người ta sẽ ngần ngại mỗi lần toan tính vòi hay ngửa tay nhận tiền hối lộ nếu biết, ngay sau đó, mình sẽ bị tố cáo và bị trừng phạt.
Nhưng tự do ngôn luận cũng là một cái gì cần được bảo vệ. Không ai dám tố cáo cán bộ đảng viên ăn hối lộ nếu biết, ngay sau đó, mình sẽ bị trả thù có khi đến tan gia bại sản hay mất cả mạng sống. Bởi vậy, muốn có tự do, người ta cần phải có một cơ chế hỗ trợ: dân chủ.
Có thể nói đáp số cho bài toán tham nhũng rất giản dị: dân chủ.
Đó là điều các quốc gia tân tiến và dân chủ ở Tây phương đã thực hiện: Người ta dùng cơ chế dân chủ để bảo đảm quyền tự do ngôn luận; dùng tự do ngôn luận để hạn chế bớt quyền lực của nhà nước, trong đó có “quyền” tham nhũng.
Đáp số giản dị, nhưng đó cũng là điều giới lãnh đạo Việt Nam lại sợ hãi: Họ không muốn bị mất tiền và mất quyền.
Nỗi sợ hãi ấy có lẽ lớn hơn cả nỗi sợ hãi mất cơ hội phát triển đất nước hay, thậm chí, mất cả chủ quyền quốc gia.