Năm 2009 ở Việt Nam có gì đáng chú ý và đáng lưu giữ trong ký ức của người Việt?
Có nhiều, nhưng theo tôi, sự kiện nổi bật nhất là sự hoành hành của những kẻ lạ.
Bình thường, gặp một câu viết như thế, câu hỏi đầu tiên loé lên trong óc người đọc sẽ là: “kẻ lạ” ấy là ai? Tuy nhiên, riêng trong trường hợp này, điều thú vị không nằm trong chữ “kẻ lạ”. Mà là ở chữ “lạ”.
Nhưng chẳng lẽ lại hỏi “lạ” là gì?
Chữ “lạ” ấy rõ ràng không xa lạ gì đối với người Việt Nam. Trong Từ điển An Nam Lustitan-Latinh của Alexandre de Rhode xuất bản lần đầu từ năm 1651, đã có chữ “lạ” này rồi. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản từ năm 1895 cũng có. Trong Truyện Kiều, chữ “lạ” xuất hiện 23 lần, trong đó lần thứ nhất nằm ngay ở mấy câu mở đầu, thâu tóm hầu như toàn bộ chủ đề của tác phẩm được Phạm Quỳnh xem là “quốc hoa”, “quốc hồn”, “quốc tuý” của Việt Nam: “Lạ gì bỉ sắc tư phong”.
Tất cả những chữ “lạ” ấy đều có ý nghĩa khá giống nhau: mới, không quen, chưa từng biết, khác thường, dị thường, v.v…
Thế nhưng, đến năm 2009 vừa qua, chữ “lạ” này lại được sử dụng một cách vô cùng khác lạ, nếu không nói là quái lạ.
Quái, vì nó được dùng để chỉ một điều hầu như ai cũng biết. Từ vị thế phản nghĩa, nó bỗng dưng trở thành đồng nghĩa với chữ “quen”.
Chữ “lạ” được dùng một cách quái lạ như vậy xuất hiện lần đầu tiên vào giữa năm 2009 lúc một số tàu đánh cá Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công ngay trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Các vụ tấn công lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều cảnh huống khác nhau. Tàu đánh cá đang dừng lại nghỉ đêm, bị “tàu lạ” nhào đến húc. Tàu đánh cá đang giăng lưới vào ban ngày ban mặt, “tàu lạ” cũng xông vào húc chìm rồi phóng chạy, mặc kệ các ngư dân gào thét kêu cứu. Tàu đánh cá gặp bão, nháo nhào tìm nơi lánh nạn cũng bị “tàu lạ” nhẫn tâm lao vào húc.
Không kể những người bất hạnh bỏ xác ngoài đại dương, những ngư dân may mắn được cứu, đều thấy rõ các chiếc “tàu lạ” đâm vào tàu mình. Họ thấy và họ biết đó là những chiếc tàu nào, của ai. Vậy mà, khi tin tức được loan tải trên các cơ quan truyền thông công cộng, từ miệng những người có quyền có chức, đại diện cho quốc gia, chúng lại bị biến thành “tàu lạ”.
Sau đó, những chiếc tàu lạ ấy không thèm giấu giếm tung tích. Chúng lao thẳng đến các tàu đánh cá Việt Nam, súng ống tua tủa, bắt các ngư dân Việt Nam chở về một cái đảo “lạ”, rồi đòi tiền chuộc. Tiền thì không thể 1à tiền lạ được. Tiền, muốn có giá trị, phải được sử dụng; để được sử dụng, nó phải có danh tính đàng hoàng.
Danh tính của nó: nhân dân tệ!
Tiền thì quen, quen lắm. Ai cũng biết. Vậy mà những chiếc tàu ngang ngược bắt người rồi đòi tiền chuộc ngay trong lãnh hải của Việt Nam vẫn cứ là tàu... lạ.
Như vậy, từ năm 2009, chữ “lạ” có thêm một ý nghĩa mới: biết mà không dám nói.
Tại sao không dám nói?
Nhà báo Huy Đức ở Việt Nam trả lời thẳng thừng: Vì hèn!
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc cũng dùng chữ “hèn”, rồi bồi thêm một chữ khác nữa, gốc Hán Việt: “khiếp nhược”. Ông viết, giọng đầy bức xúc: “Báo chí Việt Nam thậm chí không dám nêu tên bọn lưu manh Trung Quốc đã ngang ngược đâm vào tàu đánh cá Việt Nam, mà chỉ nói “tàu lạ”. Tại sao không nói thẳng là tàu Trung Quốc? Chẳng lẽ mình hèn đến nổi không dám nêu tên những kẻ lưu manh sát nhân, mà chúng thì lại nêu đích danh Việt Nam? Chưa thấy trong lịch sử Việt Nam, có thời nào mà Việt Nam khiếp nhược như thế.”
Nói cách khác, “lạ” có nghĩa là biết mà không dám nói vì hèn.
Nhưng đến những tháng cuối cùng của năm 2009, có một chút chuyển biến trong ý nghĩa của chữ “lạ”. Dấu mốc của chuyển biến này có lẽ nằm trong bức thư gửi độc giả của nhóm điều hành trang mạng bauxitevietnam.info. Bức thư có một đoạn như sau:
“Bạn đọc yêu quý,
Chúng tôi đã định giấu kín mọi khó khăn, cố vượt qua thử thách, cũng là để tự vượt lên mình. Nhưng đã không thể nào giấu nổi trước con mắt tinh tường của rất nhiều anh em bè bạn vẫn ngày ngày ghé thăm trang mạng.
Quả thật từ khi ra đời đến nay, trang Bauxite Việt Nam đã bị đánh phá ác liệt đến không dưới 5 lần, bởi những nhóm người lạ mặt. Không ai dám chắc đây là một nhóm vì họ đánh bằng nhiều cách. Có khi họ xâm nhập trang quản trị mạng và thay đổi hẳn phần hình ảnh trong một bài nào đó bằng hình ảnh của hải quân Trung Quốc. Có khi họ khống chế để bạn đọc không tài nào vào được trang chủ, biến trang chủ thành trang trắng. Lại có khi họ thay đổi mật mã khiến anh chị em biên tập viên “mất dấu”. Nhưng lần này là tệ hại nhất: họ chưa vội làm gì ngoài việc khóa chặt một số bài không cho bạn đọc truy nhập và đặt trang quản trị mạng dưới sự giám sát 24/24, có lẽ để ngầm chuyển nội dung về một trung tâm nào đó. Họ quả có nhiều thủ đoạn khó lường.”
Một, hai tuần sau khi tấn công trang Bauxite Việt Nam, nhóm người “lạ mặt” ấy lại tấn công tờ Talawas Blog do nhà văn Phạm Thị Hoài chủ trương tại Đức.
Xin lưu ý, cùng xuất hiện trong năm 2009, Bauxite Việt Nam và Talawas Blog là hai trang mạng độc lập được nhiều người đọc nhất của Việt Nam. Theo Alexa.com vào chiều ngày 30.12.2009 (giờ Úc), bauxitevietnam.info được xếp hạng 32,429 trong khi talawas.org được xếp hạng 57,324 trên khắp thế giới.
Bauxite Việt Nam:
Talawas Blog:
Không những được đọc nhiều, cả Bauxite Việt Nam và Talawas Blog được bạn đọc đánh giá cao, được xem là những diễn đàn quan trọng của giới trí thức Việt Nam từ trong đến ngoài nước. Đó cũng là những cơ quan truyền thông hữu ích cho quá trình vận động dân chủ cho Việt Nam.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2009, nhóm người “lạ mặt” ấy tiến xa hơn một bước: giả mạo thư từ của nhà văn (Châu Diên) Phạm Toàn và nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, hai trong ba người chủ trương và điều hành trang bauxitevietnam.info. Giả mạo xong, chúng lại gửi các email đó đi khắp nơi để gieo rắc tiếng xấu hoặc ít nhất, sự nghi ngờ và hoang mang, để làm mất uy tín của những người dám nói thẳng, nói thật có thể có hại cho chế độ toàn trị.
Thư gửi bạn đọc của nhóm Bauxite Việt Nam nói là “lạ mặt” nhưng thật ra, chỉ “lạ” thôi. Trên internet, làm gì thấy mặt? Tin tặc, nhất là tin tặc có tổ chức, bao giờ cũng vô hình. Tuy nhiên, cũng như đối với các “tàu lạ”, trong trường hợp này, những người viết cũng như độc giả khắp nơi nói chung thừa thông minh để hiểu nhóm người lạ ấy là ai.
Nói là “lạ”, nhưng thật ra, chúng quen lắm.
Có điều, chữ “lạ” ở đây không dính líu gì đến ý nghĩa ban đầu là quen hay không quen, biết hay không biết. Nó cố tình lặp lại chữ “lạ” trong “tàu lạ” được nhà nước sử dụng vào giữa năm 2009. Nó được dùng để nhắc nhở mọi người về cái hèn của những kẻ phát minh ra chữ “tàu lạ” ấy.
Bởi vậy, có thể nói một cách tóm tắt, “lạ”, ở đây, chỉ có nghĩa là hèn.
Nhóm người lạ chỉ có nghĩa là đám người hèn.
Từ cái hèn của người phát ngôn (trong trường hợp chữ “tàu lạ”) đến cái hèn của những kẻ bị ám chỉ (đám tin tặc), chỉ trong vòng nửa năm, chữ “lạ” đã bị thay đổi ý nghĩa đến khủng khiếp.
Phải không các đồng chí ở cái đảng “lạ” tại Việt Nam hiện nay?