Ghi chú

Ghi chú

<!-- IMAGE -->

Nguyên quán: Hà Tĩnh. Sinh quán : Thừa Thiên [1942, Vỹ Dạ-Huế ]. Trước 75: Mần công chức, dạy học. Sau 81: mần đủ thứ. Viết từ trong ra ngoài cho nhiều tạp chí, tuyển tập, mạng văn học nghệ thuật. Sách đã in: Viễn Phố - 1989, Huế Buồn Chi – 1983, Lục Bát Hoàng Xuân Sơn – 2004. Hiện ngụ tại Laval, Quebec - Canada.

Ghi chú? Một cái tựa đề không giống con giáp nào. Thật ra, đây chỉ là một đoạn viết ngắn nhằm bổ túc tư liệu về một giai đoạn văn học trong nước trước 1975 qua những bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên trang blog này (Tủ Sách Của Trần Phong Giao 1&2) và của các tác giả khác như Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho v.v. trên mạng Da Màu.

Ngoài những tạp chí tiên phong như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Hiện Đại (?), Tân Phong..., phải công nhận Trần Phong Giao rất có công trong việc xây dựng tờ Văn thành một mảnh đất văn học nghệ thuật uy tín với nhiều hạt giống tốt. Thập niên 60 là thời kỳ cực thịnh của các diễn đàn văn nghệ: Văn [Nguyễn Đình Vượng - Trần Phong Giao; kế thừa là Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng], Văn Học [Phan Kim Thịnh và nhóm anh em miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi...], Bách Khoa [Lê Ngộ Châu, Võ Phiến...]

Tờ Bách Khoa có vẻ thiên về chính trị hơn là văn học, tuy nhiên cũng quy tụ đươc. nhiều khuôn mặt văn nghệ trẻ khá nổi bật: Trần Hiền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác v.v...Tờ Văn Học đứng đầu sào là Phan Kim Thịnh, quy tụ một số anh em gốc miền trung Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín v.v. như Luân Hoán, Thành Tôn, Khắc Minh, Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Đynh Hoàng Sa, Vĩnh Điện, Phùng Kim Chú, Viêm Tịnh v.v...Riêng tờ Văn với khẩu hiệu “tập san của những người ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ” đã gầy dựng nên một lực lượng hùng hậu người viết ở khắp ba miền - thời đó được mệnh danh là Những Cây Bút Trẻ hoặc Những Người Viết Mới – như Hạc Thành Hoa, Lương Thái Sỹ, Ngụy Ngữ, Phan Tấn Uẩn, Lưu Vân, Tần Vy, Từ Hoài Tấn v.v. đông đảo không sao kể xiết. Những tạp chí này đã góp sức làm nên bề dày của tác phẩm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam VN Toàn Thư đồ sộ.

Sau cuộc phần thư 1975 chủ xướng bởi những thành phần vô văn hóa, có nhìn lại mới thấy tiếc nuối công trình tim óc của hàng trăm cây bút tự do miền Nam. Sau hơn ba mươi năm cuộc đổi đời, đã có nhiều ngòi bút một thời tung hoành bị cưỡng bách hoặc tự nguyện chôn vùi tên tuổi, chấp nhận thân phận lưu đày thân và tâm ngay trên phần đất quê nhà. May thay, mảng văn học khai phóng và nhân bản của miền nam VN trước 75 vẫn được tiếp nối và nuôi dưỡng ở nước ngoài bởi những người viết tự do khắp cùng năm châu bốn bể sau cuộc tan hàng rả ngũ bi thương. Viết đến đây xin mở một dấu ngoặc để hoan nghinh công trình tim óc của nhà văn Trần Hoài Thư và nhóm anh chị em Thư Quán Bản Thảo đã bỏ nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc để sưu tập và in ấn một phần nào giá trị tinh thần của văn học miền nam trước 75 qua các tác phẩm Thơ Lục Bát Miền Nam (?), Thơ Miền Nam Thời Chiến...

Lúc còn cộng tác với tờ Thư Quán Bản Thảo, kẻ này có gợi ý cùng nhà văn Trần Hoài Thư về việc thực hiện một số kỷ niệm với bài vở của những cây bút đã từng cộng tác với tờ Văn, hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Tiếc thay, sự việc này chưa được thực hiện như lòng mong muốn. Giờ đây, nhân đoạn viết này, với trí nhớ cùn nhụt (mà chắc đã thập phần tồi tệ), thử ghi lại danh tính của những người có bài vở đăng trên Văn trước kia, nay vẫn còn tiếp tục sáng tác ở hải ngoại. Xin chư quân vui lòng bổ sung (nếu thiếu tên) và đính chính (nếu ghi nhầm). Mong thay!

Danh sách những cây bút một thời của tờVăn, nay đã vào hàng ôn mệ mà vẫn còn múa . . . bút khắp nơi gồm:

- Ở Pháp có Trần Thiện Đạo, Trần Công Sung, Kiệt Tấn, Đặng Tiến . . .
- Ở Úc có Phạm Công Thiện, Phan Việt Thủy . . .
- Ở Canada có Lâm Hảo Dũng, Đỗ Khánh Hoan, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn . . .
- Ở Hoa Kỳ đông đảo nhất, có Nhã Ca, Lâm Chương, Đinh Cường, Hoài Ziang Duy, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Bạch Dương (đã khuất), Trùng Dương, Nghiêu Đề (đã khuất), Lê Tất Điều, Nguyễn Tịnh Đông (Trần Bang Thạch), Nguyễn Mộng Giác, Thái Tú Hạp, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Túy Hồng, Khê Kinh Kha, Nguyễn Chí Kham, Du Tử Lê, Trần Vấn Lệ, Hoàng Ngọc Liên, Viên Linh, Bình Nguyên Lộc (đã khuất), Hoàng Lộc, Đào Mộng Nam, Thanh Nam (đã khuất), Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Ngọc Nguyên, Trần Doãn Nho, Nguyễn Minh Nữu, Võ Phiến, Hải Phương, Nguyễn Quỳnh, Nguyên Sa (đã khuất), Hà Thúc Sinh, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo (đã khuất), Lê Văn Thiện (Văn Lệ Thiên), Trần Hoài Thư, Trần Mộng Tú (?), Hoàng Anh Tuấn (đã khuất), Thanh Tâm Tuyền (đã khuất), Nguyễn Tuyển, Trần Dạ Từ, Huỳnh Hữu Ủy, Ngô Thế Vinh, Kinh Dương Vương, Nguyễn Vũ Đan Vy (Đặng Tường Vy – đã khuất), Nguyễn Lương Vỵ, Phạm Ngũ Yên...

Xin nhắc lại: ai sót tên, thừa tên, vui lòng ới cho một tiếng.

Đa tạ,
Hoàng Xuân Sơn
décembre/2009