Đường dẫn truy cập

Thư cuối năm


Thư cuối năm
Thư cuối năm

<!-- IMAGE -->

* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).

Bắt đầu giữa tháng Mười Hai dương lịch, chúng ta nhận được không biết bao nhiêu lời chúc mừng cho lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Có người không muốn đề hai chữ Giáng Sinh thì viết lời chúc mừng những ngày Lễ.

Điện thư tới tấp, kín cả khung máy. Đôi khi chúng ta nhận được những tấm thiệp có tên mình vào chung một danh sách cả mấy chục người, đọc kỹ thì tìm ra được một số tên quen, và nhiều tên lạ. Rồi từ cái danh sách thật dài đó, chúng ta lại nhận được, một người reply all kéo dài cho đến cuối năm.Cứ thế những người bạn ở một vùng trời nào đó, ta chưa hề gặp mặt, ngay cả chưa liên lạc trên máy vi tính bao giờ bỗng gửi cho ta những lời tốt đẹp.
Thiệp chúc năm mới gửi qua bưu điện đã thưa thớt dần. Trừ một vài người bạn không dùng máy vi tính, giữ phong cách cổ xưa, sẽ gửi cho chúng ta những tấm thiệp vào dịp tết theo âm lịch.

Thư viết tay coi như đã gần mất hẳn. Ngay cả yêu nhau, người ta cũng nói những lời tán tỉnh, âu yếm qua điện thư. Không ai dành thời giờ đi tìm giấy bút, phong bì, tìm con tem. Hơn nữa viết xuống giấy là viết thư, không phải lời nhắn, nên quả thật mất nhiều thời giờ lắm!

Nhưng tôi, một người may mắn, vẫn nhận được thư viết tay suốt năm, mỗi phong thư tôi nhận được thật dầy. Tôi biết trong đó có những gì và thư sẽ nói gì. Nhưng lần nào nhận được, tôi cũng loay hoay với cái phong thư thật lâu, trước khi bóc ra. Tôi nhìn cái phong bì giấy mỏng tanh, chung quanh chạy những đường viền chéo sọc xanh dương và sọc đỏ, những con tem dán trên đó, có hình con trâu, có hình người gánh lúa, có hình bụi tre, có hai chữ Việt Nam… Tôi lẩm nhẩm cộng $5,000 +$5,000 + $3,000 hay $6,000 +$9,000 , tôi tính nhẩm trong đầu: Một gói xôi hay một phần cơm trưa, có thêm miếng thịt; xong tôi đọc tới tên người gửi từ Huế hay từ Quảng Trị. Địa chỉ ít khi có số, chỉ là những hàng chữ Thôn, Xã, Tỉnh. Những cái tên nghe thật đẹp như: Thôn Thuận Điền , Hương Trà, Ái Tử, Triệu Phong, v.v, đọc lên, nghe đến nao lòng.

Địa chỉ người nhận của tôi thì bao giờ cũng viết sai tên đường, hoặc xuống hàng không đúng, không biết sao mà ông đưa thư giỏi thế. Hình như ông đã quen với những lá thư như thế này, trong xấp thư của khu phố này, thế nào cũng thuộc về tôi. (Cuối năm bao giờ tôi cũng nhớ tặng ông đưa thư một chai rượu đỏ.)

Trong phong thư có một lá thư viết tay, phần nhiều viết kín một trang giấy học trò. Tôi đọc những lá thư này, như đọc lại lịch sử. Người viết cho tôi biết, anh thuộc binh chủng, quân khu, cấp bực nào và anh bị thương ở trận nào, giải ngũ năm nào.(Thường là trước 1975 hay đúng vào thời điểm đầu năm đó.) Các anh phần đông là Hạ Sĩ Quan, phong bì còn có một Bản Tướng-Mạo và Quân Vụ, giấy này hình như đã được sao đi sao lại nhiều lần, chữ và những con số mờ nhạt; một tấm hình (thường là hình mầu) bọc plastic cẩn thận. Điều làm tôi cảm động nhất khi đọc đến là hai chữ “Số Quân” Con số gắn liền vào đời của một người lính. Anh sống và chết trong vinh dự, trong tang thương dâu bể với con số này. Đọc xong thư bao giờ mắt tôi cũng cay xè.

Vẫn biết nội dung lá thư nào cũng tương tự nhau, nhưng mỗi lần nhận được, tôi vẫn mở thư ra đọc. Đọc vào buổi trưa, buổi chiều, hay buổi tối thì lúc nào những tấm hình của người gửi cũng làm tôi nghèn nghẹn ở cuống họng, cũng phải đi uống một ly nước thật đầy. Những tấm hình của những người đàn ông Việt Nam ở tuổi gần năm mươi hay già hơn một chút; ốm yếu, mù, mất hai chân, mất một tay, mất hai tay, hay mất hai chân rồi còn mất thêm một cái tay nữa. Thường người chụp hình, ngồi trước một căn lều trống trải xác xơ, có người đứng cạnh một bà vợ cũng xơ xác như lều.

Tôi nhận được nhiều thư như thế quá, tôi chẳng biết làm thế nào cho đúng với khả năng của mình. Tôi ghi hết tất cả tên của họ xuống, tôi gửi hồ sơ của họ về hội chính, có trụ sở ở Cali.

Trong năm, thỉnh thoảng tôi gặp một phong thư có hoàn cảnh buồn quá, hay người trong hình già quá, tôi vội bỏ vào túi, đi gửi riêng lẻ số tiền tối thiểu dịch vụ nhận (một trăm) Có khi một tháng cần làm đến hai lần.Tôi gọi đó là phong thư may mắn, vì nó đem đến cho tôi một giấc ngủ yên đêm hôm đó.

Hôm nay, một ngày cuối năm, tôi ngồi đếm lại số tên tôi ghi xuống (có tên tôi quên không ghi) tôi đã có 56 người trong danh sách. Tôi tính làm một cuộc rút thăm, lấy ra hai mươi tên (khả năng của tôi) gửi chút tiền nhỏ cho họ ăn tết. Làm xong, nhìn số tên còn lại, đọc những chữ ghi bên cạnh: Mù hai mắt, cụt hay chân, tê liệt, mảnh còn trong đầu. Tôi lại nghẹn cứng cuống họng, tôi đi tìm uống một ly nước đầy. Liệu tôi có ngủ yên đêm nay không?

Những tấm hình tang thương của những người một thời đã từng sống chết cho một quê hương yêu dấu đó, được bọc trong những miếng plastic, khác nào những tấm thẻ bài không còn dùng tới nữa.[TMT]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG