Câu Chuyện Của Dòng Sông của Ngô Thế Vinh mà tôi có trước mặt là một thiên bút ký lôi cuốn và hào hứng. Lôi cuốn và hào hứng bởi vì nó không chỉ tràn ngập tính thông tin báo chí bằng những tư liệu, những con số, những người thật việc thật, mà nó còn được viết bằng một ngòi bút văn học trĩu nặng một trái tim yêu người, yêu đời, yêu quê hương.
Dòng sông của Ngô Thế Vinh đã kéo tôi trôi theo con nước cuồn cuộn của dòng sông Mekong không cách nào dừng sải tay lại được. Tôi đã đọc/đã nghe [nghe đi nghe lại] trong nhiều ngày câu chuyện này qua giọng đọc miền Nam của Ánh Nguyệt.
Như những dòng chữ được giới thiệu ở bìa lưng bộ CD, Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch là tác phẩm được Ngô Thế Vinh viết từ những chuyến đi thăm các khúc sông thượng nguồn từ Vân Nam, Lào, Thái, Campuchia xuống tới Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tác giả cho thấy những bước suy thoái của dòng sông đã và đang diễn ra nhanh hơn dự kiến của nhiều người khi mà ngoài chuỗi đập thủy điện bậc thềm khổng lồ Vân Nam chắn ngang dòng chính, từ tháng 12/2006 sông Mekong đang là thuỷ lộ chở dầu hỏa từ Trung Đông vào vùng Tây Nam Trung Quốc qua ngả Thái Lan thay vì phải qua eo biển Malacca.
Ông đã tường trình từ cầu Mỹ Thuận năm 2000 tới cây cầu Cần Thơ 2008. Từ Vân Nam đến với con đập Mạn Loan. Ông đã vực dậy từ tro than, đi ra từ những cánh đồng chết và Lào PDR.com, đi ra từ lãng quên…
Ngô Thế Vinh viết về một nhân vật sẽ còn để lại ấn tượng rất mạnh nơi người đọc/nghe là giáo sư Võ Tòng Xuân, một con người gắn liền với một miền đất phương nam, với cây lúa, với dòng sông, với bát cơm và mồ hôi của người dân. Một giáo sư mà khoảng cách chỗ đứng của ông với người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ là một sợi tóc. Nhân vật đó có thực trong đời sống mà sao như là nhân vật trong tiểu thuyết. Một nhân vật khác của ông trong đoạn Cùng bầy Chim Cormorants Trên Hồ Nhĩ Hải, theo tôi, có thể là một nhân vật tiểu thuyết khác mà tôi ao ước phải chi được đi với Ngô Thế Vinh trong chuyến đi Vân Nam, đến với con đập Mạn Loan. Nhân vật lão ngư ông người gốc Bạch đã mời ông điếu thuốc thơm trên mặt hồ Nhĩ Hải và đã cao hứng hát cho ông nghe một bản tình ca có tự lâu đời của sắc dân Bạch. Một bài hát kể lại mối tình thơ mộng và say đắm của đôi trai gái cùng chèo thuyền trên biển nước mênh mông, dưới bầu trời xanh, bên dãy núi cao, mà mỗi nốt nhạc lời ca là tiếng thổn thức của trái tim họ. Ngô Thế Vinh viết: “Ở gần tuổi sáu mươi, da sạm nắng và gầy khắc khổ nhưng người đàn ông đã hát với tất cả đam mê như đang sống lại với mối tình đầu của tuổi thanh xuân ngày nào. Bầy chim cốc vẫn bơi sát theo thuyền, mấy con nhảy đỗ trên ghe thì nghển cổ như để lắng nghe chủ hát.”
Nhưng Ngô Thế Vinh đã không dừng chân ở quá khứ, dòng sông của ông luôn phóng về tương lai xa hơn…. “từ Trung Quốc nhìn về Việt Nam nhỏ hơn cả tỉnh Vân Nam, một đất nước đang vỡ ra từng mảnh, nhìn về Hoa Kỳ, ngoài sức mạnh quân sự nhưng ngày càng cô lập và mất quyền lãnh đạo thế giới, cứ theo lẽ thịnh suy, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc. Ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc sẽ phải cam chịu hay có một số phận xứng đáng với sự lựa chọn vì cách sống của họ.”
Từ Vòng Đai Xanh đến Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Ngô Thế Vinh không chỉ vẫn giữ nguyên tính nhân bản và văn học trong ngôn ngữ của mình, mà ông còn bứt đi một bước khá xa, như một người lực sĩ chạy đua đường trường, đã sải bước đến đích bằng một bứt phá ngoạn mục.
Lần đầu tiên khi đọc tựa đề Câu Chuyện Của Dòng Sông của Ngô Thế Vinh tôi liên tưởng đến Câu Chuyện Dòng Sông [mà Phùng Khánh Phùng Thăng dịch từ chuyện Siddhartha – trong tập Weg nach Innen] của Hermann Hesse. Tôi không có ý so sánh hai tác phẩm. Nhưng Câu Chuyện Dòng Sông, một tác phẩm văn học của Hermann Hesse, là cuốn sách duy nhất tôi có và tôi đã đọc [đọc đi đọc lại nhiều lần] trong những tháng ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân chờ ngày có tên rời trại. Đó là muốn sách mỏng đã rã bìa, từng trang bị bóc rời khi một thuyền nhân trước ngày rời trại tặng lại tôi với lời chúc sớm có chuyến đi.
Nếu Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse cho thấy “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” như một câu thơ của Hesse [Und allem zum Trotze bleib ich. Verliebt in die verruckt Welt.] thì Câu Chuyện Của Dòng Sông của Ngô Thế Vinh cho thấy không chỉ trần gian này đáng sống dù trái tim tôi đang nghẽn mạch mà còn lôi tôi thức dậy - không phải những ngày ở trại tỵ nạn mà là một hiện tại trên đất Mỹ vào đầu thế kỷ XXI này khi nhìn về quê hương nay đã xa vời.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG
California 12/ 2009