Nhiệt tình yêu nước đã dâng cao tại Kampuchea vào lúc người dân căm phẫn trước điều mà họ coi như hành động chiếm đóng bất hợp pháp vùng đất quanh ngôi đền Preah Vihear của quân đội Thái Lan. Tuy nhiên, với những kỷ niệm cay đắng của 3 thập niên chiến tranh còn ghi rõ trong trí nhớ của nhiều người, các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng chính phủ Kampuchea sẽ tiếp tục mưu tìm một giải pháp ngoại giao cho vụ khủng hoảng này. Từ Phnom Penh, thông tín viên đài VOA Rory Byrne ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Các buổi cầu siêu được tổ chức khắp Kampuchea cho 3 binh sĩ bị sát hại trong cuộc giao tranh với quân đội Thái Lan quanh ngôi đền Preah Vihar hôm 16 tháng này. Sự căm phẫn trong dân chúng đã dâng cao tại Kampuchea từ tuần trước khi binh sĩ Kampuchea và Thái Lan bắn nhau quanh ngôi đền này.
Người Kampuchea coi vụ tranh chấp đất đai này chỉ là vụ mới nhất trong nhiều vụ tranh cãi với lân bang mạnh hơn của mình. Năm 1962, Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết rằng ngôi đền cổ 900 năm nằm trong lãnh thổ Kampuchea, nhưng một con đường chính dẫn đến ngôi đền lại nằm trong lãnh thổ Thái Lan.
Vụ tranh chấp về đất đã lắng đi trong nhiều thập niên, nhưng cách đây vài tháng đã bùng ra khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Thái phản đôái một thỉnh nguyện thư của Kampuchea đề nghị Liên hiệp quốc công bố khu đền này là một Di sản thế giới.
Thủ tướng Kampuchea Hun Sen mới đây đã đe dọa biến vùng đất quan ngôi đền thành một chiến trường sống chết nếu như Thái Lan không chịu rút quân ra khỏi nơi ông gọi là lãnh thổ của Kampuchea. Phía Thái Lan không chịu nhận là đã xâm phạm lãnh thổ Kampuchea.
Bà Chea Vannath là một chuyên gia phân tích chính trị độc lập tại Phnom Penh. Bà nói rằng trong tình hình ông Hun Sen vừa thắng trong các cuộc bầu cử mới đây, thì ông nóng lòng muốn chứng tỏ cho dân chúng trong nước thấy uy thế của một người lãnh đạo mạnh.
Bà Vannath nói: "Ông ấy đã đạt được nhiều thứ trong cuộc đời chính trị của ông ấy và đã đến lúc ông ấy muốn chứng tỏ là ông ấy thực sự nghiêm túc về việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Kampuchea. Vừa đúng lúc bởi vì ông ấy đã thắng được 90 ghế,một thắng lợi áp đảo, ông ấy đã được hết, và đây là giai đoạn kế tiếp.”
Tuy nhiên, một số nhà phân tích thời cuộc tại Kampuchea cho rằng nước này không hề muốn có chiến tranh với Thái Lan. Nền kinh tế Kampuchea đang tăng trưởng nhưng nước này vẫn còn nghèo và còn đang hồi phục sau 3 thập niên xung đột. Thêm vào đó, quân đội Kampuchea lại nhỏ bé và thiếu trang bị so với quân đội Thái Lan.
Bà Chea Vannath cho rằng bất kể những lập luận phản đối, chính phủ Kampuchea sẽ đi tìm một giải pháp ngoại giao.
Bà Vannath nói: “Chúng ta có rất nhiều tổ chức thương lượng hòa bình như Liên hiệp quốc hay ASEAN hay Hiệp định hòa bình Paris, hay Tòa án Quốc tế. Chúng ta có rất nhiều cơ chế thay vì tập trung vào sức mạnh bởi vì nếu đi đến chiến tranh thì cả hai bên đều mất mát.”
Theo dự kiến, ông Hun Sen và Thủ tướng Somchai Wongsawat của Thái Lan sẽ thảo luận về vụ tranh chấp vào ngày thứ sáu hay thứ bẩy tuần này trong thời gian dự một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Âu châu ở Bắc Kinh.
Cho đến giờ này, các cuộc hòa đàm vẫn chưa đạt được mấy tiến bộ, và tin cho hay binh sĩ của Kampuchea và Thái Lan vẫn đang cố thủ chặt chẽ hơn quanh ngôi đền Preah Vihear để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài.