Thái Lan và Kampuchea đã đồng ý về các cuộc tuần tiễu chung dọc theo các dải đất vùng biên giới đang tranh chấp sau khi hai binh sĩ Kampuchea thiệt mạng hôm qua trong một cuộc giao tranh bằng súng. Sau một cuộc họp hôm nay giữa hai bên, Tư lệnh quân đội Thái Lan ở miền đông bắc nói rằng các cuộc tuần tiễu được đề xuất để tránh xảy ra các sự cố tương tự sau này. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi hai bên tự chế. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Kate Pound Dawson gửi về bài tường thuật sau đây.
Các giới chức của cả hai bên đã xác định rõ rằng họ không muốn cuộc tranh chấp leo thang. Các vị chỉ huy quân đội mở cuộc họp sáng nay gần biên giới để tìm ra các phương sách tránh xảy ra thêm bạo động.Cả hai bên đều lên án nhau là đã khởi đầu cuộc nổ súng hôm qua khiến nhiều binh sĩ bị thương.
Cuộc tranh chấp có liên quan đến vùng đất quanh ngôi đền cổ 900 năm Preah Vihar. Năm 1962, Tòa án quốc tế đã giao chủ quyền ngôi đền này cho Kampuchea, nhưng một con đường chính dẫn đến ngôi đền lại nằm trong lãnh thổ Thái Lan.
Từ mấy chục năm nay, một sự bất đồng dai dẳng về khu vực này đã gần như tạm yên, nhưng lại bùng nổ hồi tháng 7 khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Thái Lan phản đối một yêu cầu của Kampuchea đã được Liên hiệp quốc chấp thuận, công nhận ngôi đền này là một di sản thế giới.
Các cuộc đàm phán về vụ tranh chấp đã kết thúc hôm thứ hai mà không đem lại kết quả và thủ tướng Hun Sen của Kampuchea sau đó tuyên bố rằng binh sĩ Thái đã vượt qua biên giới.
Ông Sunai Pasuk, đại diện của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tại Thái Lan, nói rằng những mối quan ngại của quốc tế đã gia tăng sau khi ông Hun Sen công bố một tối hậu thư đòi Thái Lan phải rút quân.
Ông Sunai nói: “Tôi tin rằng Thái Lan được cộng đồng thế giới ủng hộ. Vì thế, sự kiện này cần phải được ông Hun Sen cứu xét.”
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã bầy tỏ sự lo ngại về cuộc giao tranh và đã kêu gọi cả hai nước hãy giải quyết vụ tranh chấp một cách ôn hòa.Tại Washington, bộ ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi hai chính phủ tránh dùng bạo lực.
Chưa rõ đích xác nguyên do châm ngòi cho cuộc nổ súng trong tuần này. Tuy nhiên, sự lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng đã khiến 400 người Thái rời khỏi Kampuchea, sau khi chính phủ ở Bangkok kêu gọi công dân trở về nước nếu họ không có công việc gì cấp bách ở bên kia biên giới. Và tin cho hay hàng trăm người Kampuchea cũng rời khỏi nhà ở gần ngôi đền.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1