Sudan bác bỏ cáo buộc diệt chủng nhắm vào ông Bashir

Hôm qua, Trưởng ban công tố của Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye đã cáo buộc tổng thống Omar al-Bashir của Sudan về tội chủ mưu và thực hiện cuộc diệt chủng trong 5 năm vừa qua nhắm vào nhân dân ở vùng Darfur. Các tổ chức nhân quyền đã mau chóng hoan nghênh và nhiều người cũng mau chóng lên án chính phủ Sudan. Từ trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, phái viên Margaret Besheer của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Trưởng ban công tố tòa án Hình sự Quốc tế, còn gọi tắt là ICC, đã trình bày với hội đồng gồm 3 thẩm phán các bằng chứng cáo buộc Tổng thống Bashir về trách nhiệm có liên quan đến 10 cáo trạng về diệt chủng, các tội ác đối với nhân loại và các tội ác chiến tranh, đồng thời yêu cầu tòa công bố trát bắt ông Bashir.

Có thể phải mất nhiều tháng các vị thẩm phán mới đưa ra phán quyết. Nhưng trong khi chờ đợi, những người thuộc cộng đồng tranh đấu cho nhân quyền nói rằng các cáo trạng này là một bước lớn tiến tới việc gán trách nhiệm về những tội ác đã đưa đến cái chết của khoảng 300,000 người và khiến hơn 2 triệu người khác phải thất tán.

Ông Richard Dicker là giám đốc Chương trình Công lý Quốc tế của tổ chức Human Rights Watch ở New York.

Ông Dicker nói: “Theo tôi, đó là một bước rất lớn, một bước rất quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng được miễn trừ không bị trừng phạt về những tội ác kinh tởm đã xảy ra tại Darfur từ năm 2003. Tôi nghĩ rằng việc yêu cầu ra trát bắt giữ một nguyên thủ quốc gia – Tổng thống Sudan – gửi đi một tín hiệu là không có ai đứng trên hay vượt ra khỏi được luật pháp về những tội ác đã xảy ra ở đó.”

Bà Niemat Ahmadi là một người hoạt động cho Liên minh Cứu vớt Darfur tại Hoa Kỳ. Bà đã chạy trốn khỏi Darfur năm 2005 sau hai vụ mưu sát. Bà Ahmadi hoan nghênh thông báo của ICC và nói rằng thông báo đó chuyển đi một tín hiệu hy vọng cho dân chúng ở Darfur.

Bà Ahmadi nói: “Tôi cho rằng đó là một bước rất quan trọng cho người dân ở Darfur, rằng họ cảm thấy lần đầu tiên là có niềm hy vọng; có một bước tiến nghiêm túc hướng đến việc chấm dứt những đau khổ của họ.”

Năm 2005, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã chấp thuận nghị quyết số 1593 đề nghị đưa tình hình ở Darfur ra trước Tòa án Tội phạm Quốc tế La Haye và ra lệnh cho chính phủ Sudan phải hợp tác với tòa án này. Chính phủ Sudan đã từ chối không tuân thủ yêu cầu trước đây của công tố viên đòi giao nộp 2 nghi can khác, và đặc sứ Sudan tại Liên hiệp quốc, ông Abdalamahmoud Mohamad hôm qua nói rằng lập trường đó vẫn không thay đổi, đồng thời gọi các cáo trạng là ‘có động cơ chính trị.’

Ông Mohamad nói: “Chúng tôi không thừa nhận thẩm quyền của ICC. Chúng tôi sẽ không bao giờ hợp tác với ICC. Chúng tôi sẽ không bao giờ giao nộp cho ICC các nghi can, chứ đừng nói tới tổng thống, biểu tượng của chức vụ và quyền hành của chúng tôi. Đó là lý do vì sao chúng tôi coi quyết định này là một sự thách thức và xúc phạm đến phẩm giá của toàn bộ quốc gia Sudan.”

Đại sứ Mohamad cho biết chính phủ nước ông đã bắt đầu tham khảo ý kiến với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về việc đình hoãn các cáo trạng trong 1 năm – một quyền của hội đồng được ghi trong hiệp ước thành lập ICC.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon, hiện đang ở Paris, đã công bố một thông cáo nói rằng Liên hiệp quốc sẽ tiếp tục các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Sudan, nơi tổ chức này có hơn 40,000 binh sĩ gìn giữ hòa bình, và các nhân viên phụ trách công tác nhân đạo.

Một số quan sát viên đã nêu thắc mắc về những cáo trạng có thể đưa đến các hành động trả đũa nhắm vào nhân viên của Liên hiệp quốc, nhất là sau khi xảy ra vụ tấn công hồi tuần trước nhắm vào các binh sĩ gìn giữ hòa bình ở Darfur khiến 7 người thiệt mạng. Ông Ban nói ông trông đợi chính phủ ở Khartoum sẽ hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm an toàn và an ninh cho tất cả nhân viên và tài sản của Liên hiệp quốc.

Hôm qua, phát ngôn viên của Phái bộ Liên hiệp quốc ở Sudan, ông Khaled Mansour, nói với đài VOA rằng một số biện pháp đề phòng đã được thực hiện tại Darfur và khắp phần còn lại của Sudan có thể khiến phải di dời một số nhân viên không cấp thiết, nhưng chưa có nhân viên nào được chuyển đi nơi khác. Phát ngôn viên này nói rằng Liên hiệp quốc sẽ tiếp tục giao dịch với tổng thống Bashir như thường.

Ông Mansour nói: “Chúng tôi sẽ giao dịch, như chúng tôi vẫn giao dịch với các giới chức chính phủ, chừng nào việc đó còn cấp thiết cho các chức năng và chương trình của chúng tôi ở nước đó. Hãy minh định rõ một điều. Việc chúng ta phải làm ở đây là thi hành một cuộc truy tố và tất cả mọi người đều vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội.”

Ông Richard Dicker thuộc tổ chức Human Rights Watch nói rằng Sudan có nghĩa vụ phải tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gìn giữ hòa bình và chuyển giao vật phẩm cứu trợ, và không nên để những cáo trạng đưa ra hồi hôm qua ảnh hưởng đến nghĩa vụ đó. Ông nói thêm rằng bất cứ hành vi bạo lực nào có tính cách trả đũa sẽ đưa đến các cáo trạng mới về tội ác.