Lãnh đạo G8, Châu Phi thảo luận về khủng hoảng chính trị Zimbabwe

Các nhà lãnh đạo của các nước công nghiệp hóa lớn nhất thế giới đã gặp các nguyên thủ quốc gia Phi châu để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe. Các nhà lãnh đạo Phi châu không đồng ý với nhau về những lời kêu gọi chế tài lãnh tụ lâu đời của Zimbabwe, ông Robert Mugabe. Từ Tokyo, phái viên Scott Stearns của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe đã chiếm hơn 3 tiếng đồng hồ thảo luận giữa những nhà lãnh đạo các quốc gia công nghiệp hàng đầu trong khối G-8 và các vị nguyên thủ quốc gia của Algeri, Ethiopia, Senegal, Nam Phi, Tanzania, Nigeria và Ghana. Hoa Kỳ đã thảo một nghị quyết Liên hiệp quốc đề nghị áp đặt các biện pháp chế tài có mục tiêu trong đó có một lệnh cấm vận vũ khí và lệnh cấm du hành nhắm vào tổng thống Mugabe và các đồng minh của ông ta.

Ông Mugabe đã tái đắc cử hồi tháng trước trong một cuộc bầu cử vòng nhì bị ứng viên đối lập chính tẩy chay vì những vụ tấn công các ủng hộ viên đối lập. Phát biểu với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-8 tại Nhật Bản, tổng thống George Bush của Hoa Kỳ nói rằng các nhà lãnh đạo G-8 đã lắng nghe rất kỹ các đồng sự Phi châu nói về những quan ngại của họ đối với những gì đang xảy ra tại Zimbabwe.

Tổng thống Bush nói: “Tôi quan tâm sâu sắc về nhân dân Zimbabwe. Tôi cực kỳ thất vọng về cuộc bầu cử mà tôi gọi là một cuộc bầu cử 'giả hiệu'.”

Tổng thống Bush phát biểu cùng với tổng thống Tanzania, ông Jakaya Kikwete, người đang giữ chức chủ tịch Liên hiệp Phi châu. Cuộc họp của khối này tại Ai Cập hồi tuần trước đã đưa ra những lời kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhưng không ủng hộ các biện pháp chế tài. Tổng thống Kikwete nói với tổng thống Bush rằng, trong tư cách bạn bè, chung cuộc họ sẽ đi đến sự thông cảm về phương sách tốt đẹp nhất để đi tới.

Ông Kikwete nói: “Các mối quan ngại mà ông vừa bầy tỏ quả thực là những mối quan ngại của nhiều người trong số chúng tôi tại lục địa châu Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa rồi của Liên hiệp Phi châu, nhiều nhà lãnh đạo đã bầy tỏ sự bất bình trước cách diễn biến của sự việc. Nhưng chúng tôi cũng đồng ý về bước đi sắp tới. Lãnh vực duy nhất mà chúng tôi có thể không đồng ý là về phương cách xúc tiến. Quý vị nhìn một cách khác, còn chúng tôi ở châu Phi lại nhìn một cách khác.”

Trợ lý tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế quốc tế, ông Dan Price nói với các phóng viên rằng không phải tất cả các nhà lãnh đạo Phi châu đều ở tư thế ủng hộ các biện pháp chế tài vào lúc này. Nhưng ông nhấn mạnh rằng có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo G-8 và các nhà lãnh đạo Phi châu về sự cần thiết của cộng đồng quốc tế là phải thống nhất sau một đường lối chung đối với cuộc khủng hoản chính trị ở Zimbabwe.

Nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Dana Perino cho biết một số nhà lãnh đạo Phi châu đang vận động để tiến tới một thỏa thuận chia quyền ở Zimbabwe, và Hoa Kỳ đang chờ xem một thỏa thuận như thế sẽ ra sao. Tỷ như, theo lời bà, một chính quyền như thế có mặt tổng thống Mugabe hay không.Bà Perino nói rằng chính phủ hiện thời không phản ánh ý nguyện của nhân dân Zimbabwe là những người đã bỏ phiếu đòi thay đổi trong vòng bầu cử đầu tiên hồi tháng 3.

Đảng đối lập đã thắng đa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử đó. Ứng viên đối lập Morgan Tsvangirai đã vượt xa tổng thống Mugabe về số phiếu bầu, nhưng không đạt được tỷ lệ trên 50% khiến phải tổ chức cuộc bầu cử vòng nhì trong tháng trước.

Là người cai trị Zimbabwe từ năm 1980, tổng thống Mugabe từng tuyên bố ông sẵn sàng nói chuyện với các đối thủ chính trị, nhưng chỉ với điều kiện là trước tiên, họ phải thừa nhận ông là tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp.