Lãnh đạo những nền kinh tế tân tiến nhất thế giới đã gặp gỡ các đối tác
từ vài quốc gia nghèo nhất Phi châu trong ngày đầu tiên của hội nghị
thượng đỉnh G 8 tại miền Bắc Nhật Bản. Theo lời tường thuật của phái
viên Kurt Achin của đài VOA thì các nhà lãnh đạo trong nhóm G 8
đang phải đối diện với những lời chỉ trích là đã không giữ lời hứa đối
với số dân châu Phi nghèo khó nhất.
Chủ tịch Ngân hàng Thế
giới Robert Zoellick hôm thứ Hai nói rằng các thách thức lớn nhất mà
Hội nghị Thượng đỉnh G 8 phải đối diện có tầm quan trọng đặc biệt với
châu Phi.
Ông Zoellick nói: “Đó là lương thực và nhiên liệu,
sống còn và năng lực, suy dinh dưỡng và sức khỏe, không có gì còn cơ
bản hơn thế”.
Các nhà lãnh đạo nhóm G8 thảo luận các chủ đề đó
cùng các nhà lãnh đạo từ 8 quốc gia châu Phi được mời tới khách sạn khu
nghỉ dưỡng Toyako ở mạn Bắc Nhật Bản.
Hai năm trước, một cuộc
gặp gỡ tương tự đã diễn ra tại Tô Cách Lan, nhóm G 8 hứa tăng viện trợ
cho châu Phi lên tới 50 tỷ đôla một năm trước 2010.
Đại diện tổ
chức cứu trợ Oxfam, ông Max Lawson, cho biết chỉ có một phần rất nhỏ
trong số đó, khoảng 3 tỷ đôla, là được thật sự gởi cho. Ông nói là sẽ
xem xét kỹ lưỡng bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị năm nay.
Ông
Lawson nói: “Bạn có thể thấy là nhóm G8 khéo léo từng bước lảng tránh
những lời cam kết họ đã hứa là tăng viện trợ lên 50 tỷ đôla. Nếu chúng
ta không thấy sự gia tăng đó trong bản tuyên bố chung, thì đó là sự
phản bội lại lời cam kết.”
Theo ông Lawson thì người dân châu
Phi bình thường phải chịu khổ đau do các nước giàu đặt sai các khoản ưu
tiên. Những nhóm cứu trợ như Oxfam cho rằng ngân khoản viện trợ quốc tế
phải giúp mua các loại thuốc cứu mạng, vốn cấp thiết để chống dịch bệnh
AIDS và sốt rét tại châu Phi.
Ông Kumi Naidoo, người Nam Phi
đứng đầu nhóm Tiếng gọi toàn cầu chống nghèo, cho biết rất thất vọng
trước tình trạng các quốc gia thịnh vượng dường như dửng dưng trước
tình trạng khẩn trương của châu Phi.
Ông Naidoo nói: “Phải chi
mỗi ngày có 6,000 người chết vì HIV/AIDS tại Bắc Mỹ và châu Âu, thì
nhóm G 8 đã phải tìm được nguồn lực để giải quyết vấn đề đó rồi chứ?
Ông Oliver Burton của nhóm chống nghèo có tên là ONE, cho biết tình trạng lương thực tăng giá đã bắt đầu tác hại ở châu Phi.
Ông
Burton nói: “Tại Luân Đôn là nơi tôi sống, giá mỳ Ý tăng 40%, rất là
phiền. Nhưng nếu giá thực phẩm tăng 40% và bạn chỉ sống bằng 1 đôla một
ngày, thì điều đó đe dọa sinh mạng của bạn.”
Tổng thư ký Liên
Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng tham dự hội nghị, hôm thứ Hai nói rằng hậu
quả của tình trạng địa cầu ấm dần đã tác hại nền nông nghiệp châu Phi.
Các nhóm cứu trợ còn nêu lên trào lưu hiện nay của những đại doanh
nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học từ nông sản châu Phi càng làm cho
nguồn cung cấp thức ăn của châu lục này ngày càng thiếu, và đẩy giá lên
cao.
Ông Joseph Ssuma, là một nhà nông đồng thời cũng là nhà
hoạt động tranh đấu tại Uganda, nói rằng ngành công nghiệp nhiên liệu
sinh học dễ trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sản
lượng nông nghiệp châu Phi.
Ông Ssuma nói: “Điều đó đã từ từ tác
động đến đất đai, và thúc ép những ai có tham gia vào nông nghiệp phải
quay ra trồng các loại cây cung cấp cho ngành công nghiệp này, thay vì
sản xuất lượng thực, vì nó được quảng bá là cách thay thế để kiếm nhiều
tiền hơn còn hệ quả của nó ra sao đối với con người thì lại không được
phân biệt cho cặn kẽ”.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jose Manuel
Barroso hôm thứ Hai loan báo ngân khoản 1 tỷ rưỡi đôla trợ giá cho nông
gia châu Âu nhưng chưa dùng, sẽ được chuyển sang cho châu Phi. Tuy
nhiên các nhóm cứu trợ và các nhà lãnh đạo châu Phi mong muốn có được
cam kết viện trợ lớn hơn nhiều, trước khi hội nghị thượng đỉnh kết
thúc vào thứ Tư.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1