TT Bush đến Slovenia dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Âu

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đang có mặt tại Slovenia để hội đàm với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu. Tường trình từ Ljubljana, TTV Paula Wolfson của đài VOA cho biết chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề kinh tế và an ninh.

Theo truyền thống, các cuộc họp cấp cao xuyên Đại Tây Dương này thường tập trung vào các vấn đề kinh tế. Tổng thống Bush nói rằng ông rất sẵn sàng thảo luận về các vấn đề tài chính với lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mặc dù đang đứng trước những thách thức chưa từng thấy. Chúng ta phải giữ cho nền kinh tế của chúng ta được linh hoạt. Cả nền kinh tế của Hoa Kỳ lẫn nền kinh tế của Liên hiệp châu Âu cần phải có tính cách linh hoạt để đối phó với những thách thức hiện nay."

Tổng thống Bush tuyên bố ông muốn nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu về việc nên có một hành động chung để giải quyết vấn đề giá năng lượng quá cao. Ông nhận định rằng những vấn đề hiện nay cũng sẽ được đưa ra thảo luận, kể cả những mối quan tâm về sức mạnh của đồng đô-la Mỹ.

Tổng thống Bush nói: “Tôi sẽ đề cập đến cam kết của đất nước chúng tôi duy trì sức mạnh của đồng đô-la. Một đồng đô-la mạnh phục vụ cho lợi ích của quốc gia chúng tôi. Nó cũng phục vụ cho lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.”

Trong những năm vừa qua, các cuộc họp cấp cao này cũng đã bắt đầu giải quyết các mối quan tâm về vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tòa Bạch Ốc cho biết các cuộc hội đàm diễn ra tại một lâu đài bên ngoài Ljubljana sẽ đề cập đến những nỗ lực nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong vùng Balkan và mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông.

Tổng thống Bush đã nói rõ là ông rất mong được đề cập đến chương trình hạt nhân của Iran. Lúc rời Tòa Bạch Ốc để lên đường đi Slovenia, ông dứt khoát tuyên bố là ông muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc tăng cường quyết tâm giúp đỡ cho nền dân chủ còn non trẻ của Afghanistan.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Những quốc gia mà tôi sắp tới đã có đưa binh sỹ tới Afghanistan, và dĩ nhiên là tôi tri ân họ, và nhắc nhở họ rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm."

Các giới chức tòa Bạch Ốc cho biết họ không dự kiến sẽ có những tuyên bố khác thường được đưa ra sau các cuộc thảo luận của Tổng thống Bush với giới lãnh đạo liên hiệp châu Âu tại Slovenia, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên trong 6 tháng của Liên hiệp châu Âu.

Ngoài Thủ tướng Slovenia, trong số tham dự viên tại các cuộc thảo luận sẽ có cả Chủ tịch Ủy Ban châu Âu, ông Jose Barroso và Chủ tịch An ninh của liên hiệp, ông Javier Solana.

Nhưng các chuyên gia về các quan hệ ngang qua Đại Tây Dương nói rằng họ đã nhận thấy một sự thay đổi trong thái độ của Tổng thống Bush đối với châu Âu, và thái độ đó đang mang lại kết quả trong khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ của ông.

Ông John K.Glenn là chủ tịch chương trình chính sách đối ngoại của Quĩ Marshall của Hoa Kỳ về nước Đức, nói rằng Tổng thống Bush đã đưa ra một nỗ lực có phối hợp kể từ khi ông tái đắc cử năm 2004 để vượt lên trên những dị biệt với châu Âu về vấn đề Iraq.

Ông Glenn nói: “Và vì thế chúng tôi coi như không đề cập đến vấn đề Iraq trong chương trình nghị sự để xét tới những vấn đề khác vì chắc chắn là đã có đủ những chuyện cần giải quyết và đã có đủ áp lực cho cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu rồi.”

Sau các cuộc họp thượng đỉnh với giới lãnh đạo Liên hiệp châu Âu, Tổng thống Bush sẽ lên đường sang nước Đức, nơi đây ông sẽ dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thực thi kế hoạch Marshall và cầu không vận Berlin. Sau đó ông sẽ đến thăm các nước Ý, Pháp và Anh.