Miến Ðiện đứng trước 'một thảm họa thứ nhì'

Trong lúc chính phủ Trung Quốc đã nhận được sự tán thưởng của cộng đồng quốc tế trong việc giúp đỡ cho các nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên, một chính phủ độc tài khác ở Châu Á là Miến Điện tiếp tục bị nhiều người chỉ trích vì thái độ mà họ cho là lơ là đối với tình cảnh khốn khó của các nạn nhân của trận bão Nargis. Nhiều người cũng tỏ ý lo ngại là hàng vạn người sống sót ở Miến Điện có thể bị thiệt mạng trong thảm họa thứ nhì nếu tập đoàn quân nhân cầm quyền không chịu thay đổi thái độ. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Châu Á do Duy Ái phụ trách sau đây.

Trong cuộc điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm thứ ba vừa qua, Trợ lý ngoại trưởng đặc trách Châu Á Thái Bình Dương, ông Scott Marciel, cho biết: nỗ lực cứu trợ cho nạn nhân bão lụt Miến Điện đã có một số tiến bộ, trong đó có việc Miến Điện cho phép nhân viên cứu trợ của các nước láng giềng được đến giúp đỡ cho những người sống sót sau trận bão dữ dội hôm mồng 2 và 3 tháng 5.

Mặc dù vậy, ông Marciel cũng nói thêm rằng thái độ vô lý của tập đoàn tướng lãnh có thể khiến cho hàng vạn người thiệt mạng vì điều thường được gọi là thảm họa thứ nhì.

Ông Marciel nói: "Tình hình càng lúc càng bi đát. Trận bão xảy ra cách nay đã hơn hai tuần, nhưng theo ước tính của Liên hiệp quốc, cứ 4 người sống sót thì chỉ có 1 người là được giúp đỡ. Cánh cửa cần phải được nhanh chóng mở rộng nhiều hơn nữa để ngăn chận nguy cơ xảy ra thảm họa thứ nhì. Nếu những sự trợ giúp và khả năng chuyên môn của nhân viên cứu trợ quốc tế không được chính quyền tiếp nhận thì sẽ có hàng vạn người thiệt mạng, và Tướng Than Shwe cùng với các nhà lãnh đạo khác của Miến Điện phải nhận lãnh trách nhiệm trực tiếp đối với thảm họa này."

Ông Marciel kết luận rằng thật khó mà tưởng tượng ra được một sự ứng phó đối với thiên tai nào tệ hại hơn và lơ là hơn sự ứng phó của chính quyền Miến Điện hiện nay.

Kết luận vừa kể đã nhận được sự tán đồng của các dân biểu thuộc tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ. Dân biểu Joseph Crowley, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York, phát biểu như sau.

Ông Crowley nói: "Tôi nghĩ rằng cách hành xử của tập đoàn tướng lãnh Miến Điện phản ánh nỗi sợ hãi đối với sự trợ giúp của quốc tế vì họ tin rằng sự trợ giúp này có thể biến thành một cuộc cách mạng chống lại chính phủ. Đó là cuộc cách mạng mà theo tôi thì những người muốn ra tay giúp đỡ không hề nghĩ tới. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta đang tìm cách để đưa lương thực và những sự trợ giúp khác tới cho những người sống sót, cho những em bé đang phải đau khổ vì mất hết cha mẹ. Chúng ta muốn mang tới những sự giúp đỡ về tâm lý cho các nạn nhân ở Miến Điện. Tôi cũng nghĩ rằng trong thâm tâm của giới lãnh đạo Miến Điện họ biết rằng những gì mà họ đang làm là không đúng."

Dân biểu Dana Rohrabacher, đại diện tiểu bang California, là người lâu nay vẫn thường xuyên chỉ trích các chính phủ độc tài ở Châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, và Miến Điện.

Ông Rohrabacher nói: "Trong lịch sử, có rất nhiều nhà độc tài kềm kẹp dân chúng đã bị lật đổ sau khi xảy ra thiên tai."

Ông U Sein Win, người từng giữ chức vụ thủ tướng trong nhiều năm của chính phủ lưu vong Miến Điện, cũng dự đoán rằng cách hành xử của chính quyền ở Miến Điện có thể làm gia tăng những vụ rối loạn trong nước.

Ông Win nói: "Tập đoàn quân nhân Miến Điện hiện nay quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý và bản hiến pháp nhiều hơn là quan tâm tới tình cảnh khốn đốn của người dân. Họ loan báo rằng bản hiến pháp của họ đã được phê chuẩn và quá trình hợp pháp hóa vị thế lãnh đạo của quân đội đang diễn ra. Chúng tôi dự kiến là tình trạng bất ổn chính trị sẽ gia tăng trong những tháng tới đây, vì dân chúng chắc chắn sẽ cảm thấy bất mãn trước vụ khủng hoảng kinh tế xã hội do bão Nargis gây ra và trước sự thờ ơ của chính quyền đối với nỗi khổ của dân chúng."

Những lời chỉ trích và cảnh báo vừa kể đã được đưa ra trong lúc Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki Moon, cho biết rằng: bên cạnh con số khoảng 140,000 người thiệt mạng và mất tích, bão Nargis đã gây ra 10 tỉ đô la thiệt hại kinh tế Miến Điện; và tình hình càng nguy kịch hơn vì dân chúng ở vựa lúa của Miến Điện này có thể sẽ không kịp gieo trồng cho vụ lúa hè thu trước tháng 6.

Ông Ban Ki Moon cho biết: "Xét theo khía cạnh này, thì tác động kinh tế của thiên tai xảy ra ở Miến Điện còn nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn so với thảm họa sóng thần Ấn độ dương xảy ra năm 2004."

Các chuyên gia nông nghiệp của Liên hiệp quốc cho biết bão Nargis đã tàn phá 5 tiểu bang vốn sản xuất 65% số lúa gạo của Miến Điện. Những tiểu bang này cũng chiếm tới phân nửa số đất đai có hệ thống dẫn thủy nhập điền của Miến Điện. Các giới chức của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc nói rằng Miến Điện cần có hơn 260 triệu đô la viện trợ nông nghiệp để tránh xảy ra một vụ thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Tổ chức này cũng nói rằng sự tàn phá của bão Nargis và triều cường có thể đã không nghiêm trọng như vậy nếu như các vùng đất ngập mặn ở ven biển không bị phá đi để lấy đất canh tác và làm ao nuôi cá. Theo ước tính, diện tích rừng ngập mặn ở vùng châu thổ sông Irrawaddy hiện nay chỉ vào khoảng 100 ngàn héc ta - giảm hơn phân nửa so với năm 1975.

Trong lúc hàng trăm ngàn nạn nhân bão lụt đang mỏi mòn trông chờ sự trợ giúp, các cơ quan truyền thông của nhà nước Miến Điện hôm thứ tư cho biết rằng chính quyền ở đây từ chối không tiếp nhận nhân viên và phẩm vật cứu trợ từ các chiến hạm Mỹ đang có mặt ở biển Andaman, ngoài khơi Miến Điện. Bên cạnh 4 chiếc tàu của Mỹ còn có các chiếc tàu chở đầy phẩm vật cứu trợ của Anh và Pháp đang chờ để được phép cập bến.

Một vị Bác sĩ trên tàu Mistral của Pháp, ông Pascal Alterescu, cho phái viên của đài VOA biết như sau:

"Chúng tôi có 400 tấn gạo đã được chất sẵn ở đây, như quí vị có thể thấy. Ngoài ra, chúng tôi còn có thuốc men và những vật dụng cấp cứu y tế."