Số người chết vì bão ở Miến Ðiện vượt quá 22,000

Các cơ quan cứu trợ quốc tế đang ra sức giúp đỡ cho hàng vạn người Miến Điện bị thiếu lương thực và nước uống sau trận bão dữ dội hôm thứ bảy. Chính phủ Miến Điện cho biết thiên tai này khiến cho gần 22,500 người thiệt mạng và 41,000 người bị mất tích. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Luis Ramirez gởi về bài tường thuật sau đây.

Các máy bay trực thăng của chính phủ Miến Điện đã mang lương thực và nước uống tới cho dân chúng trong vùng châu thổ sông Irrawaddy, nơi mà bão lụt đã khiến cho nhiều làng mạc và thị trấn bị hư hại hoàn toàn. Truyền thông nhà nước nói rằng đây là khu vực có nhiều người thiệt mạng nhất, và những người sống sót đã chờ đợi từ nhiều ngày qua để được trợ giúp.

Ông James East, một phát ngôn viên của tổ chức cứu trợ quốc tế World Vision ở Bangkok, cho biết rằng việc mang phẩm vật cứu trợ tới cho các nạn nhân là một việc vô cùng khó khăn:

Ông East nói: "Một trong các thách đố lớn hiện nay là vùng này đã bị ngập lụt vì triều cường do bão gây ra cho nên đường xá bị ngập nước. Đây là nơi mà cây cối bị gãy đổ, và nhiều cầu cống bị sậïp. Nhân viên của chúng tôi cho biết là để tới được những vùng hẻo lánh họ phải đi bộ hoặc đi xuồng, và thậm chí còn phải bơi nữa."

Một số nhân viên cứu trợ đã gắng sức tới được các khu vực lâm nạn, và nhờ vào báo cáo của những người vừa kể mà mọi người dần dà thấy được tầm mức thiệt hại của thiên tai này. Ông Paul Risley thuộc Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên hiệp quốc cho biết rằng tình hình rất bi đát.

Ông Risley nói: "Những báo cáo sơ khởi của các toán thẩm định tình hình của chúng tôi trong vùng đồng bằng sông Irrawaddy cho thấy tình hình rất đỗi bi đát. Có lẽ là hàng trăm ngàn người đã hoàn toàn mất hết nhà cửa vì sự tàn phá của trận bão này."

Việc trợ giúp cho các nạn nhân đã bị chậm trễ vì thái độ do dự của chính quyền quân nhân Miến Điện trong việc chấp nhận sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Sáng nay, một chiếc máy bay chở hàng của Bangladesh -- mang theo bánh bích qui năng lượng cao cho nạn nhân bão lụt, đã tới Miến Điện; nhưng Chương trình Thực phẩm Thế giới vẫn chưa được phép dỡ hàng để mang đi phân phát cho các nạn nhân.

Hàng trăm nhân viên cứu trợ quốc tế đang bị kẹt ở Bangkok để chờ giới hữu trách Miến Điện cấp phát thị thực nhập cảnh. Trong khi đó, ông Risley của Chương trình Thực phẩm Thế giới cho biết toán nhân viên của chương trình này ở Rangoon đang rất cần có sự tiếp tay của các đồng nghiệp ở nước ngoài.

Ông Risley nói: "Từ khi thiên tai xảy ra cho tới nay, tất cả các nhân viên của chúng tôi ở Rangoon đã phải làm việc tất bật. Họ phải làm việc 15 giờ một ngày, rồi khi họ về tới nhà thì nhà lại không có điện, không có nước, và điện thoại thì cũng không hoạt động được. Công việc của họ thật là gian nan. Chúng tôi cần đưa thêm người tới Miến Điện để phụ với họ."

Các cơ quan cứu trợ cho biết chính quyền quân nhân đã bảo đảm với họ rằng những người đại diện của họ sẽ nhận được chiếu khán. Các giới chức chính phủ Miến Điện cũng nói rằng họ sẵn sàng tiếp nhận viện trợ nhân đạo, một hành động mà trước đây họ ít khi thực hiện vì cho rằng viện trợ của nước ngoài đe dọa tới quyền kiểm soát của họ đối với dân chúng.

Các chính phủ Tây phương đang thúc giục tập đoàn tướng lãnh để cho các toán nhân viên quốc tế được tới Miến Điện để xem xét tình hình thiệt hại.

Tổng thống Hoa Kỳ, George W Bush cho biết Washington sẵn lòng cung cấp hơn 3 triệu đô la viện trợ và hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể tới Miến Điện nhằm giúp đỡ cho việc tìm kiếm những người mất tích và thu hồi xác của các nạn nhân. Các giới chức Mỹ nói rằng ít nhất 3 chiếc tàu của hải quân đang túc trực ở ngoài khơi Thái Lan để chờ lệnh.