Chính phủ Miến Điện cho hay số tử vong vì trận bão hôm thứ bẩy tuần trước đã lên tới gần 22,500 người. Các cơ quan cứu trợ nói rằng họ đang chật vật đến với hàng trăm ngàn người trong cảnh thiếu thốn sau thiên tai. Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ kêu gọi đóng góp gần 6 triệu đô la để giúp các nạn nhân bão tại Miến Điện. Hội Chữ Thập Đỏ nói rằng số tiền này sẽ giải quyết các nhu cầu khẩn cấp và sau đó sẽ hội kêu gọi đóng góp số tiền lớn hơn một khi biết được đầy đủ mức độ thiệt hại do bão gây ra. Phái viên Luis Ramirez tại Bangkok và phái viên Lisa Schlein tại Geneve ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Vài giờ trước khi một máy bay chở đầy thực phẩm đáp xuống thành phố chính của Miến Điện là Rangoon, chính quyền Miến Điện vẫn chưa cho phép dỡ hàng và phân phối vật phẩm cứu trợ. Một giới chức của Chương trình Lương thực Thế giới, ông Paul Risley nói với đài VOA mức độ trầm trọng của thiên tai, nhất là trong vùng châu thổ sông Irawaddy đang dần dần được biết đến và tin tức ngày càng đen tối hơn.
Ông Risley nói: “Các báo cáo ban đầu của các toán thẩm định của chúng tôi trong vùng châu thổ rất là khủng khiếp. Dường như cả trăm ngàn người – nếu không nói là hơn thế – đã mất hết nhà cửa vì trận bão này.”
Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế nói rằng đây là một thiên tai cực kỳ to lớn và chưa đánh giá hết được mức độ toàn diện của sự thiệt hại do trận bão lốc Nargis gây ra. Nhưng những điều đã biết được thì quả thật rất đáng lo ngại.
Các giới chức Miến Điện báo cáo có trên 22,000 người thiệt mạng và hơn 40 ngàn người bị mất tích. Con số vừa kể khiến cho Nargis trở thành trận bão gây nhiều chết chóc nhất trên thế giới kể từ năm 1991.
Hội Chữ Thập Đỏ báo cáo 95% nhà cửa trong các làng mạc dọc theo vùng đồng bằng sông Irrawaddy đã bị tiêu hủy và trên 1 triệu người bị mất nhà cửa. Các nhân viên cứu trợ báo cáo đường sá bị gián đoạn khiến họ không thể nào đến được nhiều khu vực bị tàn phá. Nhân viên cứu trợ nói rằng phương tiện thông tin, đường dây điện, hệ thống nước và vệ sinh bị hư hại.
Phát ngôn viên của Hội Chữ Thập Đỏ, ông Matt Cochrane, nói với đài VOA rằng nhưng người sống sót đang cần tất cả mọi thứ. Họ cần nơi trú ẩn khẩn cấp để tránh mưa. Họ cần thức ăn. Theo ông, nước mưa ứ đọng là môi trường tuyệt hảo để sinh sôi giống muỗi gây bệnh sốt rét cho nên loại mùng chống muỗi rất cần. Ông nói rằng nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn.
Ông Cochrane nói: “Thực sự chúng tôi đang tìm cách đưa thuốc lọc nước và nước uống được đến những cộng đồng bị thiên tai càng sớm càng tốt. Chuyện luôn xảy ra tại những nơi bị thiên tai tàn phá là nếu không nhanh chóng đưa được nước sạch đến cho các nạn nhân thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị một sự thiệt hại thứ nhì là sự bộc phát nghiêm trọng của những bệnh lây truyền qua nước.”
Nước bị ô nhiễm có thể sinh ra dịch tả và dịch tiêu chảy, một chứng bệnh chính làm cho các em bé dưới 5 tuổi thiệt mạng.
Các nhà khí tượng cho hay bão lốc có thể tiên đoán với nhiều chắc chắn trước 48 tiếng đồng hồ. Chính phủ Miến Điện đang bị chỉ trích vì đã không cảnh báo dân chúng về trận bão đủ sớm để họ có tiến hành các biện pháp có thể cứu được mạng sống.
Ông Cochrane nói rằng ông không thể suy đoán về các báo cáo vừa kể, nhưng ông đồng ý rằng việc cảnh báo sớm là hành động là rất quan trọng.
Ông Cochrane nói: “Trước khi xảy ra thiên tai này, chúng tôi đã làm việc với Hội Chữ Thập Đỏ Miến Điện để lập kho dự trữ như chúng tôi vẫn làm tại nhiều nước ở đông nam Châu Á khi sắp đến mùa mưa bão. Chúng tôi lập kho dự trữ tại các khu vực có nguy cơ dễ bị lụt lội và bão tố. Nhưng theo tôi, điều hợp lý dứt khoát là đối phó với thiên tai sẽ luôn luôn có hiệu quả trước khi nó xảy ra, hơn là phải đối phó khi nó đã xảy ra và gây thiệt mạng và thất tán nhiều người như vậy.”
Ông Cochrane cho biết điều phối viên về thiên tai của Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế trong khu vực đã đến Miến Điện và điều này sẽ giúp cho công tác cứu trợ nhân đạo có hiệu quả hơn. Ông nói rằng một máy bay chở các vật liệu làm nơi tạm trú sẽ từ Kuala Lumpur đến Miến Điện trong ngày hôm nay.