Quốc tế cam kết trợ giúp khẩn cấp cho Miến Điện

Cộng đồng thế giới hứa sẽ trợ giúp khẩn cấp cho Miến Điện, tiếp theo cơn bão gây tàn phá đã giết chết cả ngàn người. Nhưng nhịp độ cứu trợ tới những người đang cấp bách cần đến có thể bị trì trệ vì chính phủ quân nhân vốn luôn nghi kỵ người ngoài, ngay cả trong những lúc hoạn nạn. Phóng viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình từ New Delhi.

Ấn Ðộ đã phái hai tầu hải quân chở thực phẩm, lều, chăn mền và thuốc men tới giúp những nạn nhân trong những vùng bị cơn bão Nargis tàn phá tại Miến Điện. Liên Hiệp Âu Châu hứa sẽ giúp 3 triệu đô la trong viện trợ nhân đạo, Tổng thống Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc hứa giúp 1 triệu mỹ kim tiền mặt và các phẩm vật cứu trợ.

Hoa Kỳ, một trong những quốc gia còn đang có chính sách cấm vận kinh tế đối với Miến Điện cũng đóng góp 250,000 mỹ kim có sẵn trong quĩ cứu trợ khẩn cấp tại tòa đại sứ Mỹ tại Rangoon. Nhưng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết đã được thông báo là một toán thẩm định của Hoa Kỳ sẽ không đưọc phép vào Miến Điện. Thái Lan và Bangladesh cho biết họ sẽ cung cấp vật liệu xây cất.

Tuy hoan nghênh sự trợ giúp từ bên ngoài, chính phủ quân nhận theo chủ trương cứng rắn của Miến Điện đã nói với các cơ quan cứu trợ là các nhân viên cứu trợ phải cần có thị thực để được vào Miến Điện.

Liên Hiệp Quốc cho biết đang yêu cầu chính quyền Miến Điện dễ dãi trong việc xin chiếu khán nhập cảnh để việc cứu trợ có thể mau chóng tới tay những nạn nhân cần thuốc men, thực phẩm và các nơi trú ẩn.

Phát ngôn viên Matthew Cochrance của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc Tế nói rằng hàng ngàn các nhân viện Chữ thập đỏ Miến Điện đã được phân tán trong vùng châu thổ sông Irawaddy, là nơi bị nặng nhất trong trận bão hôm thứ Sáu vừa rồi.

Ông Cochrance nói: “Chúng tôi đã tới đó phân phối một vài thứ cần thiết trong số phẩm vật cứu trợ như mùng, vải nhựa, các viên thuốc lọc nước... Nhưng rõ ràng là nhu cầu sẽ gia tăng rất nhiều trong những ngày tới đây”.

Giới chức của Hội chữ thập đỏ này gọi mức độ sự tàn phá là khủng khiếp, so sánh với trận động đất và sóng thần đã tàn phá vùng Nam Á hồi tháng Chạp năm 2004.

Ông Cochrance nói: “Điều quan trọng là cộng đồng thế giới phải thực sự góp tay vào việc này, bởi vì đây là một sự thiên tai rất lớn và cần được giúp đỡ đáng kể. Và lúc này, chúng tôi trông đợi có tới cả triệu người sẽ bị ảnh hưởng vì thiên tai này.”

Miến Ðiện chỉ nhận được bình quân vài đô la cho mỗi đầu người về cứu trợ quốc tế. Đó là hậu quả của các biện pháp cấm vận kinh tế đã áp đặt hơn chục năm, và các hạn chế của chính quyền nước này gây trở ngại cho các tổ chức cứu trợ quốc tế muốn trợ giúp Miến Điện, một trong những nưóc nghèo nhất Châu Á.